Quan hệ chủ đầu tư - nhà thầu (Kỳ 2): Chậm có mặt bằng, nhà thầu nội kêu ai?

(BĐT) - Trong thi công xây dựng công trình, việc chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng sạch khiến nhà thầu không triển khai thi công được theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng, không biết kêu ai.
Công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất của mỗi dự án (Nguồn ảnh: Internet)
Công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất của mỗi dự án (Nguồn ảnh: Internet)

Tại một hội nghị thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Lê Thanh – Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Điền cho biết, cho đến nay, với rất nhiều dự án xử lý nước thải có quy mô lớn, nhỏ trên cả nước, có thể nói Tập đoàn Phú Điền là nhà đầu tư “nội” hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xử lý nước thải theo hình thức BT, BOT, BOO. Thế nhưng, gần như tại dự án xử lý rác thải nào cũng vậy, khâu giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư đều bị chậm tiến độ rất nhiều so với cam kết ghi trong hợp đồng. Nhà thầu muốn thi công nhanh cũng không có mặt bằng để thi công, kêu chủ đầu tư hết lần này đến lần khác nhưng chẳng có kết quả gì.

Là đại diện nhà thầu đã và đang thực hiện rất nhiều dự án xử lý rác thải theo các nguồn vốn khác nhau, ông Lê Thanh chia sẻ cảm nhận của cá nhân ông rằng, nhà thầu nội đang bị “lép vế” trước chủ đầu tư và nhà thầu ngoại.

Với nhà thầu nước ngoài, mỗi khi chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng thì họ không nói chơi, họ cứ theo tiến độ cam kết trong hợp đồng đã ký để phạt chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không chấp thuận thì họ kiện ra Tòa án quốc tế. Đành rằng, giải phóng mặt bằng bao giờ cũng là khâu khó khăn, nhưng chính vì thái độ cương quyết của nhà thầu ngoại mà dường như chủ đầu tư cũng quyết liệt và “ưu ái” đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng cho nhà thầu ngoại hơn là các dự án của nhà thầu nội.

Việc chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng gây nhiều thiệt hại cho nhà thầu: lãng phí máy móc, nhân lực, phát sinh chi phí, chậm tiến độ công trình… Ai cũng biết lỗi thuộc về chủ đầu tư là không thể chối cãi nhưng nhà thầu vẫn chẳng biết kêu ai?

Thực tế cũng đã cho thấy, do chậm bàn giao mặt bằng, dự án cầu Nhật Tân đã khiến ngân sách phải chi gần 156 tỷ đồng đền bù cho nhà thầu Nhật Bản. Và mới đây, nhà thầu thi công gói thầu số 2 dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đã có đơn khiếu nại yêu cầu TP.HCM bồi thường thiệt hại do bàn giao mặt bằng chậm với mức tiền phạt khoảng 100.000 USD/ngày theo hợp đồng. Vì thế, nguy cơ UBND TP.HCM phải bồi thường hàng nghìn tỷ đồng do chậm giải phóng mặt bằng (chậm 27 tháng) đã cận kề. Được biết, hiện nay Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị đã báo cáo UBND TP.HCM tổ chức đàm phán với nhà thầu nước ngoài và các đơn vị có liên quan để hạn chế tối đa chi phí bồi thường cho nhà thầu.

Trước băn khoăn là tại sao nhà thầu “nội” lại không “theo sách” nhà thầu ngoại mà đòi chủ đầu tư bồi thường mỗi khi chậm bàn giao mặt bằng, một nhà thầu cho biết, nhà thầu ngoại vào Việt Nam triển khai các công trình thường theo các dự án vay vốn ODA, cả nhà thầu và chủ đầu tư phải chấp hành các quy định theo pháp luật về vay vốn ODA, hiệp định vay vốn, khi có tranh chấp nếu không thương lượng được thì có thể kiện ra Tòa án quốc tế.

Chẳng hạn, khi dự án ODA vay vốn của Nhật Bản thì thường nhà thầu Nhật Bản sẽ thực hiện dự án, vay vốn ODA của Hàn Quốc thì nhà thầu Hàn Quốc thực hiện…  Cơ chế xử phạt giữa nhà thầu và chủ đầu tư ở trong các dự án này là khá rõ ràng và sòng phẳng, được ghi rõ trong hợp đồng. Với nhà thầu ngoại thì chỉ nói chuyện hợp đồng kinh tế.

Việc chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng gây nhiều thiệt hại cho nhà thầu: lãng phí máy móc, nhân lực, phát sinh chi phí, chậm tiến độ công trình… Ai cũng biết lỗi thuộc về chủ đầu tư là không thể chối cãi nhưng nhà thầu vẫn chẳng biết kêu ai?

Một chuyên gia trong ngành xây dựng cũng cho rằng, nhà thầu nội thường ngại đấu lý, ngại đòi quyền lợi khi chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng sạch. Lý do là mối quan hệ giữa nhà thầu nội với chủ đầu tư rất phức tạp, nhà thầu nội thường “gắn bó” với chủ đầu tư không chỉ ở một dự án đơn thuần đang triển khai mà có thể có rất nhiều dự án sau đó nữa, nên nhà thầu nội không muốn bị chủ đầu tư “tẩy chay” vì lắm lời, hay thưa kiện. Trong khi các nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam, có khi họ chỉ thực hiện một dự án lớn thôi, họ lại làm ăn bài bản, rất mạnh về pháp lý, nên sẵn sàng đưa ra yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại tài chính mà không do lỗi của họ.

Chuyên đề