Quản chặt thực hiện kết luận kiểm tra

(BĐT) - Việc thực hiện các kết luận thanh, kiểm tra, trong đó có kết luận thanh, kiểm tra liên quan đến công tác đấu thầu, dường như vẫn chưa nghiêm, hiệu quả thực hiện các kết luận này thời gian qua chưa được như kỳ vọng.
Mục đích của việc kiểm tra là để hỗ trợ, chấn chỉnh các chủ đầu tư, bên mời thầu không mắc lại những lỗi, vi phạm ở những gói thầu/dự án triển khai tiếp theo. Ảnh: Ngô Ngọc Anh
Mục đích của việc kiểm tra là để hỗ trợ, chấn chỉnh các chủ đầu tư, bên mời thầu không mắc lại những lỗi, vi phạm ở những gói thầu/dự án triển khai tiếp theo. Ảnh: Ngô Ngọc Anh

Có đang buông lỏng?

Theo đại diện của một cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, hoạt động kiểm tra đấu thầu là nhằm mục đích hướng dẫn các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu và các cá nhân thuộc các đơn vị này thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo đó, hoạt động kiểm tra tập trung chủ yếu vào việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu; kiểm tra đào tạo về đấu thầu; kiểm tra việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng; ký kết hợp đồng; kiểm tra tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu; kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi về công tác đấu thầu và các hoạt động khác liên quan đến đấu thầu. Đến nay, hệ thống chính sách về đấu thầu cũng đã có những quy định cụ thể đối với việc kiểm tra đấu thầu. “Mục đích của việc kiểm tra là để hỗ trợ, chấn chỉnh các chủ đầu tư, bên mời thầu không mắc lại những lỗi, vi phạm ở những gói thầu/dự án triển khai tiếp theo”, vị đại diện trên cho biết.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các địa phương vẫn chưa nghiêm túc trong thực hiện các kết luận kiểm tra cũng như thanh tra đấu thầu. Phản ánh của các nhà thầu cho thấy, trên thực tế, tại một số gói thầu, đơn vị kiểm tra đã phát hiện và nêu rõ các sai sót, vi phạm kèm theo chế tài xử lý trong kết luận kiểm tra. Tuy nhiên, có không ít chủ đầu tư/bên mời thầu chưa thực hiện nghiêm túc các kết luận này. Một chuyên gia đấu thầu ái ngại, mấy năm gần đây, một số cơ quan quản lý đã có hoạt động kiểm tra đấu thầu nhằm chấn chỉnh những vấn đề nổi cộm trong đấu thầu (HSMT đưa ra một số nội dung làm hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu, phân chia gói thầu không hợp lý, chủ đầu tư chưa thực hiện đăng tải đầy đủ thông tin trên Báo Đấu thầu…), nhưng chưa có trường hợp nào xử lý cho “đến đầu, đến đũa”, chủ yếu vẫn chỉ là nhắc nhở nên dường như không có tác dụng đáng kể đối với bên vi phạm.

Mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi các đơn vị như: Thanh tra Bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, các ban quản lý dự án liên quan… yêu cầu các đơn vị này đốc thúc các nhà thầu chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ. Nhiều nhà thầu bị cơ quan này “điểm mặt”, trong đó có Công ty Xây dựng số 6 Thăng Long tại Dự án Nâng cao hiệu quả kinh tế Quốc lộ 5, giai đoạn 1 – Dự án Nâng cấp quản lý Quốc lộ 5 (Kết luận số 16172/LK-BGTVT ngày 18/12/2014 và Quyết định số 49/QĐ-BGTVT ngày 8/1/2015)…

Thừa nhận việc theo dõi thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra về đấu thầu đâu đó còn chưa thực sự hiệu quả, đại diện một cơ quan quản lý liên quan đến vấn đề này cho biết: “Các địa phương vẫn đang thực hiện báo cáo việc thực hiện các kết luận kiểm tra bằng đường văn bản. Đơn vị quản lý các chủ đầu tư/bên mời thầu có dự án kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các kết luận kiểm tra mà đơn vị kiểm tra đưa ra”.

Tăng cường hậu kiểm

Tăng cường hậu kiểm đấu thầu cũng là một giải pháp để quản lý hiệu quả việc thực hiện kết luận kiểm tra đấu thầu
Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động đấu thầu, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu. Thông tư này quy định rõ việc theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra. Trường hợp đơn vị được kiểm tra có sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động đấu thầu, cần có thời gian để khắc phục, đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện kết luận kiểm tra. Đặc biệt, trên cơ sở kết luận kiểm tra, người đứng đầu đơn vị được kiểm tra chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra và báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện kết luận kiểm tra đối với các nội dung: khắc phục ngay đối với những tồn tại, sai sót có thể khắc phục được trong dự án/dự toán mua sắm, gói thầu đang thực hiện; chấn chỉnh hoạt động đấu thầu đối với các dự án/dự toán mua sắm, gói thầu khác… Thông tư  này cũng đề cập về cơ chế xử lý đối với việc không thực hiện kết luận kiểm tra. Theo đó, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận kiểm tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Để việc thực hiện các kết luận kiểm tra đấu thầu hiệu quả hơn, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Xuân Đào cho rằng, pháp luật về đấu thầu cần quy định rõ trách nhiệm của các cán bộ tham gia hoạt động kiểm tra đấu thầu. Nếu kết luận kiểm tra được phát ra mà không có chế tài cụ thể để xử lý trong trường hợp bên vi phạm không tuân thủ, hoặc người thực hiện kiểm tra phát hiện ra nhưng lại có thông đồng không xử lý thì cần phải được xử lý nghiêm khắc, tạo hiệu quả răn đe cao.

Một đại diện cơ quan quản lý hoạt động đấu thầu cũng nhấn mạnh: “Tăng cường hậu kiểm đấu thầu cũng là một giải pháp để quản lý hiệu quả việc thực hiện kết luận kiểm tra đấu thầu”.

Chuyên đề