Phía sau “nội chiến” bot Pháp Vân - Cầu Giẽ: “Miếng bánh” BOT ngon nhất?

(BĐT) - Không như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) “chuẩn chỉnh” được nhà đầu tư làm mới từ đầu, Dự án Đầu tư nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức Hợp đồng BOT (Dự án BOT PV-CG) có một lợi thế đặc biệt khi nhà đầu tư được triển khai trên nền một dự án cũ - tuyến tránh đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ.
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có một lợi thế đặc biệt khi triển khai trên nền một dự án cũ đã được Nhà nước đầu tư hàng chục triệu USD trước đó không lâu. Ảnh: Lê Tiên
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có một lợi thế đặc biệt khi triển khai trên nền một dự án cũ đã được Nhà nước đầu tư hàng chục triệu USD trước đó không lâu. Ảnh: Lê Tiên

Trong quá trình tìm hiểu về những lùm xùm xung quanh Dự án BOT PV-CG, chúng tôi đã trở lại với “lịch sử” xây dựng tuyến tránh đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ.

Hai khoản vốn dư sau đấu thầu

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 172/TTg ngày 12/4/1994 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư khôi phục Quốc lộ 1, đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn TP.HCM - Cần Thơ (Dự án WB1). Quyết định này nêu rõ, vốn đầu tư Dự án là “vốn vay Ngân hàng Thế giới 158,5 triệu USD và vốn ngân sách. Tổng mức đầu tư được xác định theo giá thắng thầu và các chi phí đầu tư khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Chính nguồn vốn dư sau đấu thầu của Dự án WB1 này đã được sử dụng để đầu tư xây dựng tuyến tránh đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ sau này.

Cụ thể, năm 1996, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã ký đã ban hành Quyết định số 493/TTg ngày 31/7/1996 (QĐ 493/TTg) quyết định đầu tư xây dựng tuyến tránh đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ và mở rộng đoạn TP.HCM - Bình Chánh thuộc Dự án Khôi phục Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh, và đoạn TP.HCM - Cần Thơ bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (Dự án WB1).

Tuy nhiên, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 12/1/1998 về việc điều chỉnh nội dung đầu tư xây dựng tuyến tránh Hà Nội - Cầu Giẽ (Quốc lộ 1). Theo quyết định này thì nguồn vốn được sử dụng chính là 2 nguồn vốn dư ra qua đấu thầu (bao gồm cả vốn vay và vốn đối ứng) của Dự án Khôi phục Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Cần Thơ (Dự án WB1) và Dự án khôi phục cầu trên Quốc lộ 1 giai đoạn 1 (Dự án OECF1). Kinh phí của các đoạn dự án này được chuẩn xác sau khi có kết quả đấu thầu.

Quyết định số 31/QĐ-TTg cũng giao Ban quản lý dự án 1 (PMU1) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là chủ đầu tư đoạn Pháp Vân - Thường Tín, sử dụng vốn WB; Ban QLDA 18 (PMU18) thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư đoạn Thường Tín - Cầu Giẽ, sử dụng vốn OECF1.

Nhà nước đã đầu tư hàng chục triệu USD

Từ cuộc “nội chiến” vì những bất đồng trong nội bộ nhà đầu tư về vấn đề thu phí đang đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, hài hòa lợi ích không chỉ giữa nhà đầu tư với nhau mà vấn đề hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà đầu tư - Nhà nước - Người dân, hơn bao giờ hết cần được làm rõ, nhất là trong bối cảnh Giai đoạn 2 của Dự án BOT PV-CG đã bắt đầu.
Theo QĐ 493/TTg, tuyến tránh đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ có quy mô 4 làn xe cơ giới, có dự phòng đất để mở rộng thành 6 làn xe cơ giới và nâng thành đường cao tốc có thu phí. Giai đoạn 1 của tuyến tránh đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ chia làm 2 đoạn tuyến: đoạn Pháp Vân - Thường Tín (Km 18+578 - Km 198) xây nền 4 làn xe, mặt 2 làn xe; đoạn Thường Tín - Cầu Giẽ (Km 198 - Km 212 + 230) xây nền 2 làn xe, mặt 2 làn xe.

Tổng mức đầu tư đoạn Hà Nội - Cầu Giẽ giai đoạn 1 tương đương 28,128 triệu USD và được xác định chính thức sau khi có kết quả đấu thầu. Việc đấu thầu được thực hiện theo Quy chế đấu thầu được ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16/7/1996. Thời gian xây dựng là trong 24 tháng kể từ ngày khởi công, hoàn thành vào năm 1999.

Tuy nhiên, Quyết định số 31/QĐ-TTg đã có một số điều chỉnh, theo đó, tuyến Hà Nội - Cầu Giẽ được phép xây dựng ngay mặt đường với quy mô 4 làn xe và không phân kỳ đầu tư. Về kinh phí, tổng mức đầu tư khoảng 52.608.470 USD, trong đó: đoạn Pháp Vân - Thường Tín là 31.343.630 USD (khoảng 699 tỷ đồng theo tỷ giá USD hiện hành), đoạn Thường Tín - Cầu Giẽ là 21.264.840 USD (khoảng 474 tỷ đồng theo tỷ giá USD hiện hành).

Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng tuyến tránh Hà Nội - Cầu Giẽ, đoạn Pháp Vân - Thường Tín. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản ủy quyền Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt và chịu trách nhiệm về tổng mức đầu tư điều chỉnh. Ngày 31/8/2001, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng tuyến tránh quốc lộ Hà Nội - Cầu Giẽ, đoạn Pháp Vân - Thường Tín. Theo đó, tổng mức đầu tư của Dự án được điều chỉnh là 41.734.419 USD. Chưa tính lãi vay thì số tiền này hiện tương đương hơn 930 tỷ VND tính theo tỷ giá trung bình 1 USD = 22.300 VND.

Phương án tuyến, quy mô mặt cắt ngang vẫn giữ nguyên như trong các quyết định trước đó (QĐ 493/TTg và QĐ 31/QĐ-TTg).

Công trình xây dựng tuyến tránh Hà Nội - Cầu Giẽ đã có Kết luận kiểm toán vào năm 2008, số tiền Nhà nước đầu tư cho công trình cũng đã được xác định. Dự án BOT PV-CG giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.973 tỷ đồng, thực hiện từ quý III/2015 đến quý IV/2015.

Từ cuộc “nội chiến” vì những bất đồng trong nội bộ nhà đầu tư về vấn đề thu phí đang đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, hài hòa lợi ích không chỉ giữa nhà đầu tư với nhau mà vấn đề hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà đầu tư - Nhà nước - Người dân, hơn bao giờ hết cần được làm rõ, nhất là trong bối cảnh Giai đoạn 2 của Dự án BOT PV-CG đã bắt đầu.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chuyên đề