Phản hồi về Đấu thầu tại Sở GD&ĐT Bến Tre: 1 mình 1 chợ là thiếu minh bạch

(BĐT) - Đó là ý kiến của một số chuyên gia về đấu thầu trước hiện tượng ưu ái cho nhà thầu “quen”, “bế quan tỏa cảng” với nhà thầu lạ diễn ra thời gian qua. Điều đáng buồn, hiện tượng này có xu hướng ngày càng tăng, tiếp tục làm méo môi trường đấu thầu.
Nếu nhận được văn bản phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cần coi đây là một thông tin giá trị để từ đó có sự vào cuộc kịp thời. Ảnh: Nguyễn Hải
Nếu nhận được văn bản phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cần coi đây là một thông tin giá trị để từ đó có sự vào cuộc kịp thời. Ảnh: Nguyễn Hải

Đấu thầu phải là sân chơi rộng rãi

Theo các chuyên gia về đấu thầu, việc một chủ đầu tư liên tục trong một thời gian chỉ giao thầu cho vài nhà thầu quen thuộc, với giá trúng thầu không thực sự cạnh tranh tại các gói cung cấp hàng hóa thông dụng, tất yếu dẫn đến sự độc quyền, thao túng các nhà thầu khác. “Các nhà thầu không phải “ruột” của chủ đầu tư đương nhiên sẽ không bước vào cuộc chơi thiếu sòng phẳng này. Vì họ cho rằng, kiểu gì mình cũng bị loại, dù với lý do chính đáng hay không. Từ đó, dẫn đến tâm lý chán nản, không muốn tham gia, mua HSMT cho vui. Do đó, tình trạng này càng bị kéo dài, càng gây nên sự thiếu công bằng giữa các nhà thầu. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư từ ngân sách thông qua đấu thầu là rất thấp” - ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ với Báo Đấu thầu sau khi đọc bài “Sân chơi của hai nhà thầu quen?” đăng trên Báo Đấu thầu số 2 ra ngày 4/1/2017.

Bà Nguyễn Minh Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu cũng quan ngại về thực trạng này. “Theo bà Yến, đưa ra định hướng phù hợp với nhà thầu quen biết để loại bỏ các nhà thầu khác không còn là hiện tượng lạ. Điều này dẫn đến tình trạng nhà thầu quen thao túng suốt quá trình tổ chức đấu thầu của các chủ đầu tư, không cho bất kỳ nhà thầu nào khác lọt chân vào. “Nếu nói đấu thầu mà câu chuyện giá không quyết định thì đó là cách hiểu tinh thần Luật Đấu thầu một cách phiến diện. Chúng ta có nhiều hướng dẫn để đánh giá việc lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tiêu chí của HSMT một cách cạnh tranh, hiệu quả, minh bạch. Chứ không thể cài cắm các tiêu chí, làm khó trong quá trình làm rõ HSDT để loại những nhà thầu khác, chỉ còn nhà thầu quen vào vòng trong, từ đó không còn sự so sánh nào về giá. Với mua sắm các hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, giá là một vấn đề quan trọng. Vì đã là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được định danh và tiêu chuẩn hóa cao độ, việc nhà cung cấp cạnh tranh kịch liệt về giá là bản chất của thị trường” - bà Yến bình luận.

Một số chuyên gia đấu thầu khác thì khẳng định, các cuộc đấu thầu được tổ chức càng rộng rãi, thu hút sự tham gia của đông đảo nhà thầu và các nhà thầu cạnh tranh khốc liệt với nhau mới thể hiện đúng bản chất của hoạt động đấu thầu. Còn nếu chỉ xoay quanh một hai nhà thầu quen từ năm này qua năm khác, hạn chế sự tham gia của đông đảo nhà thầu khác thì khó nhìn ra hiệu quả, bởi thiếu sự cạnh tranh thực sự. 

Tăng cường giám sát trong đấu thầu

Câu chuyện “trả lại đơn” của nhà thầu đối với Công ty TNHH Xây dựng Minh Trường (Nhà thầu Minh Trường) tại Bến Tre là cách hiểu và thực thi Luật Đấu thầu chưa đúng. Ông Lê Văn Tăng cho rằng, với trường hợp Nhà thầu Minh Trường, đây không phải là đơn kiến nghị để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra một gói thầu cụ thể. “Đây có thể coi là phản ánh của nhà thầu về một hiện tượng trong đấu thầu. Nhà thầu cũng là một công dân, có quyền phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo quy định. Nếu nhận được văn bản của nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cần coi đây là một thông tin giá trị để từ đó có sự vào cuộc kịp thời. Phản ánh của nhà thầu cần được cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu vào cuộc để xác minh hiện tượng phản ánh có đúng hay không. Từ những thông tin phản ánh này của nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có bức tranh toàn thể về công tác tổ chức đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo một cách chính xác nhất. Đây cũng là dịp để các đơn vị tổ chức đấu thầu chứng minh công tác đấu thầu của mình thực sự minh bạch, đúng quy định” - ông Tăng nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đào Văn Được, đại diện Nhà thầu Minh Trường nêu quan điểm: “Tôi có phản ánh về công tác đấu thầu và nêu đích danh đơn vị tôi, hoàn toàn không phải là đơn thư nặc danh. Nhưng đến nay, mọi thắc mắc của tôi đều chưa được trả lời. Tôi cho rằng, với thắc mắc của bất kỳ nhà thầu nào quan tâm đến công tác đấu thầu, cần có giải trình làm rõ của đơn vị được giao tổ chức đấu thầu và sự vào cuộc của cơ quan quản lý về đấu thầu tại địa phương. Đó mới là minh bạch thực sự trong đấu thầu”. 

Trách nhiệm giám sát trong đấu thầu cũng được các chuyên gia đấu thầu đề cập đến rất nhiều lần khi trao đổi về thực trạng này. “Sự vào cuộc khi có phản ánh của nhà thầu thể hiện trách nhiệm giám sát trong đấu thầu của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương. Tăng cường trách nhiệm giám sát sẽ đảm bảo quá trình lựa chọn nhà thầu tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu. Từ đó, tạo thêm niềm tin cho các nhà thầu chân chính, tạo ra sự cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, khi tiếng nói của nhà thầu chân chính không rơi vào im lặng” - bà Nguyễn Minh Yến khẳng định.

Chuyên đề