Phân chia dự án thành các gói thầu: Cần đủ tâm và tầm

(BĐT) - Việc phân chia dự án thành các gói thầu một cách hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho gói thầu, dự án, giảm thời gian, chi phí và nguồn lực cho chủ đầu tư, nhà thầu và cả xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hợp lý này, đòi hỏi cả chủ đầu tư và người có thẩm quyền phải có đủ tâm và tầm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hệ lụy từ chia nhỏ gói thầu

Việc phân chia dự án thành các gói thầu nếu không hợp lý, dù có tiềm ẩn tiêu cực hay không, thì đều có thể dẫn đến những lãng phí không cần thiết. Dễ nhìn thấy là lãng phí trong khâu tổ chức đấu thầu. Còn đối với nhiều trường hợp cố ý chia tách dự án thành các gói thầu nhỏ vì mục đích cá nhân, thì hệ lụy chắc chắn sẽ rơi vào chất lượng của công trình, dự án để bù lại những khoản hoa hồng, lót tay.

Một số trường hợp chủ đầu tư cố ý chia nhỏ gói thầu để nhà thầu ruột có thể đáp ứng năng lực, nên rất dễ dẫn đến việc khi thi công đồng loạt các gói thầu nhỏ, nhà thầu sẽ không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Theo một số chuyên gia và nhà thầu, việc phân chia gói thầu sao cho “đo vải may áo”, chiếc áo năng lực vừa vặn với nhà thầu mà chủ đầu tư nhắm tới không còn là vài ba trường hợp, mà là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Thậm chí, có nhà thầu còn thở dài chán nản: “Đấy là chuyện thường ngày ở huyện!”. Có thể điều này cũng chính là mầm mống nảy sinh cơ chế xin - cho, gia tăng tham nhũng, làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu…

Theo ông Trần Tiến Dũng (chuyên gia tư vấn đấu thầu độc lập), bản chất sâu xa của các vụ việc này là do không nghiên cứu kỹ luật pháp, không làm tốt các khâu tiền kiểm về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Để xảy ra tình trạng này, theo một số chuyên gia, ngoài chủ đầu tư, thì người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các cơ quan chức năng liên quan cũng có một phần trách nhiệm, quản lý chặt hay thả lỏng, xử phạt nghiêm hay chỉ làm cho lấy lệ?

Quan trọng nhất vẫn là người thực hiện

Theo ông Trần Tiến Dũng, nguyên tắc phân chia dự án thành các gói thầu đã được quy định khá rõ trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và trong các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Luật đã có, nhưng vấn đề là có thực thi đúng Luật hay không lại là chuyện khác. Chung quy lại vẫn là yếu tố con người, yếu tố thực thi”Ông Trần Tiến Dũng
Điểm c Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định: Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu, trong đó bao gồm nội dung quy định tại Điều 5 và giải trình các nội dung đó. Trong phần này, phải nêu rõ cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Riêng đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và loại hợp đồng trọn gói không phải giải trình lý do áp dụng.

Điểm b Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định rất rõ việc phân chia dự án thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý về quy mô gói thầu.

Đặc biệt, Điểm h Khoản 4 Điều 5 của Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định: “Nghiêm cấm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13”.

“Luật đã có, nhưng vấn đề là có thực thi đúng Luật hay không lại là chuyện khác. Chung quy lại vẫn là yếu tố con người, yếu tố thực thi”, ông Trần Tiến Dũng cho biết.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc phân chia dự án thành các gói thầu là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người thực hiện phải có đủ cả tâm và tầm.

Hai chữ “tâm” và “tầm” trong nhận định này có thể hiểu, cần đủ “tâm” để không tư lợi, để khách quan khi phân chia dự án hướng đến mục đích chung là đem lại hiệu quả cao nhất cho công tác lựa chọn nhà thầu và hiệu quả kinh tế của dự án. Nhưng như vậy chưa đủ, cần cả “tầm” để phân chia sao cho hợp lý nhất, không quá lớn không quá nhỏ, đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện dự án, tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu. Đặc biệt là người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu rất cần đủ tầm để phê duyệt đúng, để chặn cái sai ngay từ đầu, chứ không “gật đầu bừa”.

Ngoài ra, để đưa hoạt động đấu thầu đi đúng hướng vì mục đích cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, theo TS. Trần Tiến Dũng, cần tăng cường đào tạo, tuyên truyền, răn đe nhằm nâng cao nhận thức của các bên có liên quan, từ người làm công tác đấu thầu trực tiếp, chủ đầu tư, cho tới người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, ông Trần Tiến Dũng cho rằng: “Việc giáo dục, tuyên tuyền chỉ mang ý nghĩa chung là giúp người thực hiện tự giác chấp hành pháp luật, hình thành thói quen, phong cách thượng tôn pháp luật”. Quan trọng hơn phải là ý thức tự thân. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như FTA, TPP, EVFTA…, việc tuân thủ luật pháp, cam kết trong hợp đồng được đặt lên hàng đầu. Muốn vươn mình ra đấu thầu các gói thầu quốc tế, quy mô lớn và tránh nguy cơ bị kiện ra tòa, thì việc tuân thủ nghiêm pháp luật trong nước chính là nền tảng để thực hiện quy định luật pháp quốc tế”.

Chuyên đề