Nhiều dư địa cho sản phẩm công nghệ thông tin thương hiệu Việt

(BĐT) - Báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy dư địa phát triển rất lớn cho các sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) thương hiệu Việt trong các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước.
Vật tư, hàng hóa trong nước sản xuất được chỉ chiếm 9,5% tổng giá trị hợp đồng các gói đấu thầu quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong 5 năm qua. Ảnh: LTT
Vật tư, hàng hóa trong nước sản xuất được chỉ chiếm 9,5% tổng giá trị hợp đồng các gói đấu thầu quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong 5 năm qua. Ảnh: LTT

Mặc dù hàng Việt được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng vật tư, hàng hóa CNTT-TT nhập khẩu hiện vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Theo Bộ TT&TT, nguyên nhân của tình trạng này là do hàng Việt còn có những hạn chế về chất lượng, kỹ thuật, công nghệ, nhưng mặt khác cũng cho thấy một dư địa phát triển rất lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp CNTT-TT trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước” (2010 - 2015), Bộ TT&TT cho biết, Bộ này đã tổ chức đấu thầu trong nước mua sắm vật tư, hàng hóa, xây lắp, EPC/hỗn hợp với tổng giá trị hợp đồng khoảng 5.536,735 tỷ đồng, trong đó vật tư, hàng hóa nhập khẩu được sử dụng khoảng 4.105,98 tỷ đồng, chiếm 74,2% tổng giá trị hợp đồng.

Đối với các gói thầu áp dụng đấu thầu quốc tế, trong 5 năm qua, Bộ TT&TT đã triển khai 77 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng là hơn 10.631 tỷ đồng. Trong đó, vật tư, hàng hóa nhập khẩu được sử dụng là trên 9.616 tỷ đồng (chiếm 90,5%), trong khi vật tư, hàng hóa trong nước sản xuất được là trên 1.014 tỷ đồng (chiếm 9,5%).

Theo Bộ TT&TT, các gói thầu áp dụng đấu thầu quốc tế chủ yếu là mua sắm hàng hóa trong lĩnh vực CNTT-TT mà trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng; và các gói thầu thuộc các dự án ODA. Trong đó, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thực hiện 49 gói thầu với trị giá hơn 9.199 tỷ đồng; Cục Tần số vô tuyến điện là 15 gói thầu với trị giá là khoảng 451,987 tỷ đồng. Trong số các gói thầu áp dụng đấu thầu quốc tế, còn có 13 gói thầu thuộc các dự án ODA do Tổng công ty VTC triển khai (4 gói thầu với trị giá khoảng 608,925 tỷ đồng) và Ban quản lý dự án Phát triển công nghệ TT&TT tại Việt Nam (9 gói thầu với trị giá khoảng 370,74 tỷ đồng).

Bộ TT&TT cho rằng: “Các dự án của Bộ TT&TT thực hiện trong 5 năm qua chủ yếu sử dụng hàng hóa nhập khẩu là vì đây là những dự án đầu tư các thiết bị chuyên dùng (được sử dụng cho những nhiệm vụ đặc thù, có tính chuyên biệt), nên thường ít hoặc không được giao dịch, mua bán phổ biến trên thị trường, thực tế chỉ có một số hãng lớn trên thế giới sản xuất và cung cấp”.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu phát triển ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới mang thương hiệu Việt. Các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt ngày một đa dạng, với chất lượng ngày một cao. Nhiều sản phẩm được đánh giá có chất lượng tương đương, hoặc cao hơn so với sản phẩm ngoại nhập, đi kèm với đó là chế độ hỗ trợ, bảo hành, bảo trì trong nước, đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho sản phẩm CNTT Việt Nam.

Tuy vậy, đa số các dự án mua sắm vật tư, thiết bị trong lĩnh vực CNTT-TT có yêu cầu về kỹ thuật công nghệ cao, phức tạp, nhưng trong nước vẫn chưa sản xuất được, không đáp ứng được, hoặc chưa đủ khả năng sản xuất. Đây chính là rào cản lớn trong việc ưu tiên sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Bên cạnh những mặt hạn chế, Bộ TT&TT đánh giá: “Điều này cũng cho thấy tiềm năng và sự phát triển của ngành CNTT-TT tại Việt Nam là rất lớn, đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, liên doanh với doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam”.

Chuyên đề