Nhiều chiêu “om” hồ sơ mời thầu

(BĐT) - Quá trình xác minh những phản ánh của nhà thầu tới Đường dây nóng của Báo Đấu thầu đã cho thấy, thời gian qua, chiêu trò “om” hồ sơ mời thầu (HSMT) đã được không ít bên mời thầu vận dụng để hạn chế số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu.
Rất nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu thường lấy lý do: “hết HSMT, đang trong quá trình in ấn, photo HSMT” để trốn bán HSMT. Ảnh: Tiên Giang
Rất nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu thường lấy lý do: “hết HSMT, đang trong quá trình in ấn, photo HSMT” để trốn bán HSMT. Ảnh: Tiên Giang

Đủ trò trì hoãn bán HSMT

Sau khi đeo bám rất nhiều cuộc thầu, nhất là quá trình phát hành HSMT, phóng viên Báo Đấu thầu nhận thấy, rất nhiều bên mời thầu dùng các chiêu trò khác nhau để cố tình không chịu bán HSMT cho nhà thầu. Những lý do khá phổ biến mà các nhà thầu phải đối mặt khi đi mua HSMT là người được giao bán HSMT liên tục không có mặt ở cơ quan, điện thoại không liên lạc được; cả cơ quan không ai biết về việc phát hành HSMT trừ người được giao bán HSMT thì bận họp, bận đi giải phóng mặt bằng…

Tiếp đến, một chiêu khác cũng khá “thông dụng”, quen thuộc của các cán bộ bán HSMT là đổ cho lý do: “hết HSMT, đang trong quá trình in ấn, photo HSMT” nên nhà thầu muốn mua HSMT thì phải chờ… Tuy nhiên, chờ đến bao giờ thì không thể biết trước được vì để phát hành HSMT đâu chỉ có chuyện photo, mà còn phải chờ ký, đóng dấu đầy đủ của các bên liên quan.

Cá biệt có trường hợp, chủ đầu tư đã giải thích cho việc không bán HSMT là đơn vị được thuê làm tư vấn không chịu mang HSMT đến. Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở địa phương (Sở KH&ĐT tỉnh N) “triệu tập” đơn vị tư vấn này đến làm rõ vì sao không cung cấp đầy đủ HSMT để chủ đầu tư bán cho nhà thầu thì câu trả lời là, chúng tôi chỉ là đơn vị tư vấn, được chủ đầu tư thuê và làm theo yêu cầu của chủ đầu tư. Như vậy, việc không phát hành HSMT là “chủ ý” của chủ đầu tư.

Một trường hợp cá biệt khác là việc phát hành HSMT một gói thầu xây lắp chuyên dụng của Sở Nội vụ tỉnh Đ, sau nhiều sức ép của dư luận từ nội dung phản ánh của nhà thầu tới Báo Đấu thầu, Sở này đã buộc phải bán HSMT cho nhà thầu phản ánh. Tuy nhiên, bộ HSMT mà Sở này bán cho nhà thầu thiếu phần bản vẽ thiết kê thi công. Vì vậy, sau 1 tuần đeo đuổi, nhà thầu mua được 1 bộ HSMT không trọn vẹn và mãi 3 ngày sau, Sở này mới bàn giao nốt phần bản vẽ thi công của gói thầu. Và tại thời điểm đó, thời gian đóng thầu cũng đã cận kề, khó mà có nhà thầu nào đủ sức để chạy nước rút, chuẩn bị được HSDT. 

Nhờn luật vì xử lý không nghiêm

Sau khi tiếp nhận phản ánh, đơn kiến nghị của nhà thầu, Báo Đấu thầu thường xuyên và kịp thời xác minh sự việc, thông tin đầy đủ đến dư luận. Nhờ vậy, ở nhiều gói thầu/dự án, công tác phát hành HSMT được chấn chỉnh kịp thời, quyền lợi chính đáng của nhà thầu được đảm bảo. Một số cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương (Sở KH&ĐT) cũng đã nhanh chóng ban hành các văn bản nhắc nhở, răn đe. Thông thường, khi sự việc trì hoãn, kìm hãm bán HSMT của các bên mời thầu được “phanh phui” thì thời gian đóng thầu của gói thầu cũng đã cận kề. Sự vào cuộc tuy là nhanh chóng của các cơ quan quản lý nhà nước cũng gần như ít thay đổi được “cục diện” vấn đề, vì nhà thầu không đủ thời gian làm hồ sơ dự thầu.

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, các bên mời thầu đều có nhân sự được đào tạo và có chứng chỉ về đấu thầu, nên không thể nói là họ không hiểu biết pháp luật về đấu thầu. Đây là những quy định rất cơ bản của pháp luật về đấu thầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu đều hiểu rất rõ trách nhiệm của họ trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, quyền lợi chính đáng của các nhà thầu. Vì vậy, để xảy ra tình trạng trì hoãn, không bán HSMT cho nhà thầu với đủ các lý do khác nhau chỉ có thể giải thích đây là chủ ý, cố tình vi phạm pháp luật về đấu thầu của các chủ đầu tư/bên mời thầu. Các chủ đầu tư đều biết việc họ làm là sai, nhưng do khâu xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước còn nương nhẹ, không có sức nặng để ngăn chặn và đẩy lùi, nếu không muốn nói còn phổ biến tình trạng dung túng, bao che nên hành vi vi phạm của các chủ đầu tư tiếp tục tái diễn.

Chuyên đề