Nhà thầu sẵn sàng đón cơ hội từ công nghệ số?

(BĐT) - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đón đầu làn sóng công nghệ số có thể giúp cải thiện hình ảnh của chủ đầu tư cũng như tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà thầu là doanh nghiệp (DN) cấp nhỏ và siêu nhỏ. Liệu đội ngũ nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ có mạnh dạn đón đầu cơ hội này hay không?
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tạo “sân chơi” minh bạch hơn trong đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tạo “sân chơi” minh bạch hơn trong đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Cải thiện hình ảnh của chủ đầu tư

Theo số liệu vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã tích cực sử dụng, ứng dụng CNTT hơn so với trước. Tỷ lệ DNNVV sử dụng CNTT ngày càng tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng CNTT còn chưa hiệu quả. Tỷ lệ DNNVV sử dụng dịch vụ hỗ trợ DN về công nghệ còn thấp. Cụ thể, trong khi DN lớn đạt tỷ lệ 50% sử dụng dịch vụ hỗ trợ DN về công nghệ, thì đối với DNNVV chỉ ở mức 31% (đối với DN siêu nhỏ) và 38% (đối với DN nhỏ).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhận xét, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT đối với DNNVV rất lớn. Đó là giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin pháp luật, chính sách cho DN. DN cũng sẽ nắm bắt thông tin về thủ tục hành chính dễ hơn, do đó, gánh nặng tuân thủ cũng thấp hơn. Đồng thời, khả năng dự đoán thay đổi chính sách pháp luật của DN sẽ cao hơn. Kết quả kinh doanh của DN cũng sẽ tích cực hơn.

Theo các chuyên gia, cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT tốt dẫn đến có thể giúp các DN tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, giúp DN giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho DN. Ông Tuấn phân tích thêm: “Cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT tốt có thể giúp làm giảm nảy sinh tiêu cực. Hiện tượng nhũng nhiễu thấp hơn. Tỷ lệ DN phải chi trả chi phí không chính thức cũng thấp hơn. Cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT tốt cũng có thể tăng niềm tin của DN vào hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền tích cực hơn. Điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực đấu thầu”.

 Nhiều nhà thầu nhận xét, các cơ quan nhà nước tích cực trong ứng dụng CNTT vào công tác đấu thầu luôn nhận được sự tin tưởng của các nhà thầu về tính chuyên nghiệp, minh bạch. “Khi những đơn vị đi đầu trong đấu thầu qua mạng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và các tổng công ty, công ty con trực thuộc tổ chức đấu thầu thường thu hút đông đảo nhà thầu tham gia, dù là những gói thầu quy mô rất nhỏ. Điều này chứng tỏ, ứng dụng CNTT trong đấu thầu đã giúp xây dựng hình ảnh chủ đầu tư trong mắt nhà thầu rất tích cực”, đại diện Công ty TNHH Nhật Linh – Lioa cho biết. 

Nhà thầu chuyên nghiệp cần đi đầu

Dù được sự hỗ trợ lớn từ hệ thống chính sách về đấu thầu, tuy nhiên, DN nhỏ và siêu nhỏ về cơ bản có ít nhân viên, thường kiêm nhiệm và hiếm có nhà thầu nào có người phụ trách quản lý CNTT riêng nên gặp một số khó khăn trong ứng dụng CNTT khi tham gia đấu thầu.
Bà Tammy Phan, Giám đốc Kênh bán hàng tại Việt Nam của Tập đoàn Google cho biết, 20% DNNVV Việt Nam đã tham gia kinh doanh online. Tuy nhiên, vẫn còn 80% chưa khai thác được tiềm năng này. Về cơ bản, DNNVV chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của Internet, nghi ngại về chi phí cao và tiếp cận vốn khó khăn. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân sự có chuyên môn, phụ thuộc chủ yếu vào các giao dịch trực tiếp, đồng thời quan ngại về vấn đề an ninh mạng đã trở thành những rào cản khiến DNNVV xa rời việc ứng dụng CNTT vào kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên, với các nhà thầu là DNNVV, cần mạnh dạn xóa bỏ tâm lý này mới thực sự phát triển được.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu đều có chung quan điểm này. Ông Nguyễn Phúc Huy, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Lũng Lô 6 cho biết, Công ty đang tìm hiểu để thực hiện thủ tục đăng ký tư cách nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG), nên rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Thái Gia Thái Bá Hiệp cho biết, dù được sự hỗ trợ lớn từ hệ thống chính sách về đấu thầu, tuy nhiên, DN nhỏ và siêu nhỏ về cơ bản có ít nhân viên, thường kiêm nhiệm và hiếm có nhà thầu nào có người phụ trách quản lý CNTT riêng nên gặp một số khó khăn trong ứng dụng CNTT khi tham gia đấu thầu. “Các nhà thầu là DN nhỏ và siêu nhỏ cần phải bước qua những khó khăn này để tham gia ngày càng nhiều hơn trên HTMĐTQG. Vì điều này không chỉ là bước xác định tư cách hợp lệ của một nhà thầu, mà còn là hành trang không thể thiếu để các nhà thầu nhập cuộc với những sân chơi mở, đầy cạnh tranh và minh bạch” - ông Hiệp khuyến nghị.

Chuyên đề