Đấu thầu tại Trung tâm dịch vụ Tài chính công Cà Mau:

Nhà thầu không phục lý do bị loại

(BĐT) - Liên quan đến câu chuyện nhà thầu bỏ giá thấp nhất tại 2 gói thầu mua sắm tập trung tại Cà Mau cho rằng bị loại oan được Báo Đấu thầu phản ánh trong bài “Trung tâm Dịch vụ tài chính công Cà Mau: Bị tố loại oan nhà thầu” (số ra ngày 4/7/2017).
Nhà thầu không phục lý do bị loại

Nhà thầu phản ánh cho rằng, những lý do Bên mời thầu đưa ra để loại bỏ nhà thầu đều hoàn toàn không thuyết phục, trong khi đó Bên mời thầu khẳng định họ đã làm đúng. 

Nhà thầu phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu

Trong Công văn số 16 ký ngày 29/6/2017 gửi Báo Đấu thầu, Công ty TNHH TMDV An Phước cho biết, vừa qua Công ty có tham gia Gói thầu Mua sắm tập trung 255 máy tính để bàn và 10 màn hình; và Mua sắm tập trung 46 máy photocopy thuộc Dự án Mua sắm tài sản tập trung của tỉnh Cà Mau năm 2017, do Trung tâm Dịch vụ tài chính công Cà Mau là bên mời thầu. Công ty này tham gia với tư cách đứng đầu Liên danh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ (TMDV) An Phước -  Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ ROBO (An Phước - ROBO) và Liên danh Công ty TNHH TMDV An Phước - Công ty CP Siêu Thanh Hà Nội (An Phước - Siêu Thanh).

Sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư về kết quả lựa chọn nhà thầu của 2 gói thầu trên, qua xem xét nội dung thông báo, đối chiếu giữa hồ sơ mời thầu (HSMT) và hồ sơ dự thầu (HSDT), Nhà thầu An Phước cho biết: “Liên danh chúng tôi xét thấy kết quả lựa chọn nhà thầu chưa thực sự khách quan, một số nội dung không phù hợp với quy định hiện hành”.

Đối với vấn đề không có tài liệu chứng minh hàng hóa chính hãng của tất cả linh kiện đối với máy lắp ráp và màn hình, Nhà thầu An Phước lập luận: Bên mời thầu căn cứ vào đâu để đánh giá HSDT khi ở “Mục 5.1, Chương I – HSMT nêu: Tất cả các hàng hóa và dịch vụ liên quan được coi là hợp lệ nếu có xuất xứ rõ ràng hợp pháp”? Trong khi đó, thành viên liên danh - Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ ROBO là nhà sản xuất máy tính (để bàn, máy chủ), được trang bị dây chuyền công nghệ sản xuất tự động hiện đại, đã được cấp chứng nhận ISO 9001:2008, ISO 14001:2004; năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn 17025:2005; tiêu chuẩn Việt Nam về thiết bị công nghệ thông tin – Đặc tính nhiễu tần số vô tuyến – Giới hạn và phương pháp đo 7189:2009...

“Chỉ riêng tại tiêu chí này của HSMT, Bên mời thầu đánh giá 7 nhà thầu tham dự Gói thầu Mua sắm tập trung 255 máy tính để bàn và 10 màn hình, thì có 6 nhà thầu bị loại bỏ, chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu là đạt tiêu chí này; và 9 nhà thầu tham dự Gói thầu Mua sắm tập trung 46 máy photocopy, chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu và đạt tiêu chí này. Phải chăng có sự yêu cầu ngầm về tiêu chí này? Trường hợp, yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất thì trái với quy định tại Điều 6 Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Còn nếu yêu cầu các loại giấy tờ khác nữa để chứng minh, thì các loại giấy tờ đó là giấy tờ gì, sao không yêu cầu cụ thể trong HSMT?”, ông Lê Thành Phương, Giám đốc Công ty TNHH TMDV An Phước đặt nghi vấn.

Ngoài ra, trong 2 gói thầu trên, Bên mời thầu còn bắt lỗi nhà thầu vì không làm rõ HSMT. Trong văn bản kiến nghị gửi Bên mời thầu, Nhà thầu An Phước khẳng định, vấn đề làm rõ HSDT đã được quy định tại Mục 27, Chương I – Chỉ dẫn nhà thầu. Tuy nhiên, từ thời điểm mở thầu đến khi nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh nhà thầu không hề nhận được bất cứ yêu cầu nào về việc làm rõ HSDT. 

Bên mời thầu nói gì?

Bất chấp những phản đối của Nhà thầu An Phước, trong 2 văn bản gửi đến Liên danh An Phước - ROBO và Liên danh An Phước - Siêu Thanh, Bên mời thầu cho rằng họ đã làm đúng.

Theo công văn phúc đáp của Trung tâm Dịch vụ tài chính công Cà Mau gửi đến Nhà thầu An Phước ngày 28/6/2017, ở Gói thầu Mua sắm tập trung 255 máy tính để bàn và 10 màn hình, đối với quy định về hàng hóa chính hãng, HSDT của Liên danh An Phước - ROBO chào thầu toàn bộ là máy tính lắp ráp, không phải máy bộ theo thương hiệu ROBO, đồng thời không có tài liệu chứng minh tính hợp lệ về hàng hóa chính hãng đối với các sản phẩm linh kiện được lắp ráp. Do đó, HSDT của liên danh này được xem là không hợp lệ và không được xem xét ở bước tiếp theo.

Tương tự, ở Gói thầu Mua sắm tập trung 46 máy photocopy, Bên mời thầu “cáo buộc” HSDT của Liên danh An Phước - Siêu Thanh không có tài liệu chứng minh hàng hóa chính hãng của hãng Bizhub theo yêu cầu, chỉ cung cấp tài liệu của Công ty TNHH Sao Nam An là nhà phân phối của hãng Konica Minolta (Bizhub) và HSDT không có chứng minh quan hệ giữa Công ty TNHH Sao Nam An và Liên danh An Phước - Siêu Thanh để cung cấp máy photocopy hãng Bizhub. Cho nên, HSDT của liên danh này là không hợp lệ và không được xem xét ở bước tiếp theo.

Đối với kiến nghị của nhà thầu về việc “không nhận được công văn yêu cầu làm rõ HSDT của bên mời thầu”, Trung tâm Dịch vụ tài chính công Cà Mau cho rằng, HSDT của 2 liên danh này đối với 2 gói thầu trên không có tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa được quy định tại Mục 11, Chương I và Mục CDNT 5.3, Chương II – Phần 1 – HSMT (thuộc thành phần HSDT) không thuộc nội dung được phép làm rõ, bổ sung tài liệu theo quy định nêu trên, do đó Bên mời thầu không yêu cầu làm rõ HSDT.

Ngoài ra, liên quan đến câu hỏi vì sao Trung tâm Dịch vụ tài chính công Cà Mau lại chọn nhà thầu bỏ giá cao và loại nhà thầu bỏ giá thấp, Bên mời thầu cho hay, HSDT của các nhà thầu có giá chào thấp nhưng không vượt qua các bước đánh giá nên không được xét duyệt về giá.

Chuyên đề