Nhà thầu gian lận, hệ lụy khôn lường

(BĐT) - Hành vi không trung thực của nhà thầu khi dự thầu không chỉ làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) của một gói thầu. Cần nhìn nhận hậu quả ở các khía cạnh khác để từ đó các chủ đầu tư/bên mời thầu nâng cao trách nhiệm ngay từ đầu, không để những nhà thầu gian lận qua mặt, dẫn đến nhiều “trái đắng” khi dự án bị dở dang, nguồn vốn bị cắt, người thụ hưởng dự án phải chịu những ảnh hưởng nặng nề...
Ảnh minh họa: Lê Tiên
Ảnh minh họa: Lê Tiên

Vỡ trận cả dự án

Ngày 4/1/2019, UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định số 11/QĐ-UBND về việc xử phạt nhà thầu. Theo quyết định này, Công ty TNHH phát triển Nguyên Phương (Nhà thầu Nguyên Phương) có địa chỉ đăng ký tại 357a/6 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM sẽ bị UBND tỉnh Bến Tre cấm tham gia đấu thầu trong 3 năm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Lý do khiến Nhà thầu Nguyên Phương bị cấm tham gia đấu thầu như trên là do có hành vi cung cấp thông tin không trung thực, vi phạm Điểm b Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Hành vi này của Nhà thầu Nguyên Phương liên quan tới Gói thầu Mua sắm trang thiết bị dạy học thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị năm 2018 phục vụ hoạt  động các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre.

Gói thầu nêu trên có giá 5.826.000.000 đồng. Biên bản mở thầu cho thấy, giá dự thầu của Nhà thầu Nguyên Phương là 5.820.200.000 đồng. Giá dự thầu của Liên danh Khai Quốc - Siêu Thanh là 5.741.000.000 đồng. Cả hai nhà thầu đều không có thư giảm giá kèm theo. Ngày 11/10/2018, Bên mời thầu (BMT) công bố KQLCNT gói thầu này. Theo đó, Nhà thầu Nguyên Phương đã trúng thầu với giá 5.722.000.000 đồng.

Từ kiến nghị của các nhà thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng như cơ quan công an điều tra tỉnh Bến Tre đã vào cuộc xác minh tính trung thực trong các hợp đồng tương tự mà Nhà thầu Nguyên Phương cung cấp trong hồ sơ dự thầu (HSDT). Cuối cùng, tỉnh Bến Tre khẳng định, cả hai hợp đồng mà nhà thầu này cung cấp đều không trung thực.

Việc bị tỉnh Bến Tre cấm tham gia đấu thầu 3 năm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre là hệ quả tất yếu đối với hành vi gian lận trong đấu thầu của Nhà thầu dẫn tới làm sai lệch KQLCNT. Tuy nhiên, xét từ nhiều góc độ, hậu quả của hành vi này không chỉ dừng lại ở việc nhà thầu bị cấm đấu thầu trên địa bàn tỉnh này.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, sau khi KQLCNT gói thầu nêu trên bị hủy theo yêu cầu của UBND tỉnh Bến Tre, BMT đã có động thái mời nhà thầu xếp hạng thứ hai đến thương thảo. Rất tiếc, quá trình thương thảo này đã không thành công, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung. Đáng buồn hơn, vì hành vi gian lận của Nhà thầu Nguyên Phương đã khiến cho quá trình xử lý của tỉnh Bến Tre mất rất nhiều thời gian, công sức. Do đó, đến thời điểm thương thảo không thành công với nhà thầu xếp hạng thứ hai, đã trực tiếp đẩy BMT vào tình thế cực kỳ khó khăn: không đủ thời gian hoàn thành Dự án, bị cắt vốn thực hiện Dự án của năm 2018. Đây là một kết cục vô cùng đáng tiếc trong công tác lựa chọn nhà thầu nói riêng và đầu tư công nói chung, chỉ vì hành vi gian lận của một nhà thầu.

Hệ lụy muôn mặt hành vi gian dối

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, trong dữ liệu được công bố về danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về đấu thầu, tỷ lệ các nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng, cấm tham gia đấu thầu chiếm áp đảo ở hai lý do. Thứ nhất là vi phạm hợp đồng, không thực hiện theo cam kết, tự ý dừng thi công, tự ý không cung cấp hàng hóa, không đủ năng lực thi công. Thứ hai, chính là hành vi vi phạm trong việc cung cấp HSDT không trung thực.

Nếu nhìn nhận tổng thể, hai lý do dẫn đến nhà thầu bị xử lý đã đề cập ở trên đều liên quan trực tiếp đến nhau, tất yếu của nhau. Bởi, theo một tư vấn đấu thầu, chỉ có nhà thầu không trung thực trong kê khai HSDT, HSDT “tô vẽ”, mạo danh”, “ảo”… thì mới dẫn đến kết cục không đủ năng lực thi công khi hợp đồng đã được ký kết. “Các nhà thầu gian lận HSDT với mục đích thắng thầu chính là cố tình khoác cái áo quá rộng nên khi bắt tay vào thực hiện hợp đồng là lòi ra ngay năng lực thật”, chuyên gia Phạm Minh Yến - Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu từng chia sẻ với Báo Đấu thầu.

Tại Nghệ An, Báo Đầu thầu từng đề cập đến câu chuyện Trường THPT Anh Sơn 1 đã thực sự “lên bờ xuống ruộng” vì một nhà thầu “vay mượn” HSDT. “Chúng tôi tổ chức gần 20 cuộc họp, trong tay chúng tôi có đến 17 biên bản hứa, hẹn, thất hứa rồi lại hứa của nhà thầu. Để rồi công trình án binh bất động hơn hai năm trời. Học sinh và giáo viên phải học tập trong những lớp học không điện, không cửa chính lẫn cửa sổ, không quạt, không cả gạch nền, mùa đông mưa gió tạt ướt hết sách vở, học sinh và giáo viên run cầm cập. Đó là hậu quả của việc nhà thầu trúng thầu dùng HSDT ảo”, Thầy hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Tuấn than thở.

Hậu quả của hành vi gian lận trong đấu thầu của nhà thầu “đắng đót” với mọi chủ đầu tư, bên mời thầu và việc xử lý hậu quả này kéo dài dai dẳng. Vì 100% các gói thầu không may vào tay các nhà thầu không đủ năng lực là vỡ trận, chậm tiến độ, chất lượng kém, phải thay thế nhà thầu giữa chừng, thậm chí là hủy hoàn toàn do cắt vốn như trường hợp tại Bến Tre.

Do đó, theo các chuyên gia về đấu thầu, cần phải thật mạnh tay với hành vi gian lận của nhà thầu để loại trừ những nhà thầu yếu kém ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, phải gắn trách nhiệm với các chủ đầu tư, bên mời thầu khi để xảy ra việc “chọn nhầm” nhà thầu, dẫn tới chậm triển khai các dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên đề