Nâng cấp Hệ thống đê sông tại Hưng Yên: Những sai sót tiền tỷ

(BĐT) - Rất nhiều sai sót làm tăng giá trị dự toán, tăng giá trị trúng thầu và nghiệm thu, thanh toán không đúng… xảy ra tại Chương trình Nâng cấp Hệ thống đê sông tại Hưng Yên vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra trong Kết luận thanh tra mới đây.
Chỉ tính riêng 5 dự án mà Đoàn thanh tra kiểm tra thì giá trị dự toán tăng thêm do tính thêm 10% phụ cấp không ổn định sản xuất là hơn 12,27 tỷ đồng.  Ảnh: Lê Tiên
Chỉ tính riêng 5 dự án mà Đoàn thanh tra kiểm tra thì giá trị dự toán tăng thêm do tính thêm 10% phụ cấp không ổn định sản xuất là hơn 12,27 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Phân bổ và sử dụng vốn không khớp nhau

Hàng loạt sai sót được chỉ ra như: phân bổ và sử dụng vốn không khớp nhau; tính chi phí nhân công bao gồm cả 10% phụ cấp không ổn định sản xuất làm tăng giá trị dự toán hàng chục tỷ đồng; phê duyệt dự toán gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB); áp dụng định mức chi phí thiết kế, bù giá nhân công, máy thi công không đúng quy định; tính sai khối lượng so với thiết kế…

Cụ thể hơn, kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn tại Dự án Đầu tư củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng đoạn K76+984 – K127+400 cho thấy, số liệu phân bổ và sử dụng vốn năm 2009 đối với dự án này không khớp nhau. Năm 2009, Dự án được phân bổ 25 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã điều chuyển 16 tỷ đồng vốn đã bố trí cho dự án này sang một số dự án khác. Như vậy, vốn bố trí cho dự án này còn lại là 9 tỷ đồng. Kiểm tra cho thấy dự án trên chỉ có tài liệu chứng minh đã sử dụng 3 tỷ đồng, còn lại 6 tỷ đồng chủ đầu tư không có tài liệu chứng minh việc sử dụng nguồn vốn đã phân bổ này.

Theo lý giải của UBND tỉnh Hưng Yên thì phần vốn 6 tỷ đồng còn lại của dự án trên do quá thời hạn thanh toán vốn trái phiếu chính phủ năm 2009, không giải ngân theo quy định nên không có chứng từ. Kết luận thanh tra nêu rõ, việc không giải ngân được phần vốn trái phiếu chính phủ đã bố trí nêu trên đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đã bố trí, trong khi còn nhiều dự án khác đang rất cần vốn. Về vấn đề này, trách nhiệm thuộc về Sở KH&ĐT và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, đến hết năm 2014, tổng kinh phí đã cấp cho 18 dự án thuộc Chương trình là hơn 1.373 tỷ đồng, tổng giá trị khối lượng hoàn thành của 18 dự án là hơn 1.371 tỷ đồng, tổng số kinh phí đã giải ngân của 18 dự án là hơn 1.371 tỷ đồng. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều dự án có thời gian thực hiện thực tế kéo dài so với thời gian được phê duyệt, làm giảm hiệu quả đầu tư dự án. Nguyên nhân chính là bố trí vốn quá 3 năm đối với dự án nhóm C và quá 5 năm đối với dự án nhóm B. Việc bố trí vốn quá thời hạn như vậy là không thực hiện đúng quy định tại Điểm a Khoản 3 Mục 1 Điều 1 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP. 

Tăng giá trị dự toán hơn 12 tỷ đồng

Kết luận thanh tra nêu rõ, chi phí nhân công bao gồm 10% phụ cấp không ổn định sản xuất là chưa đầy đủ cơ sở pháp lý và chưa phù hợp quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (trong Nghị định này không quy định có loại phụ cấp nêu trên). Thế nhưng, theo quy định của UBND tỉnh Hưng Yên (tại Công văn số 409/CV-SXD ngày 3/12/2007 của Sở Xây dựng Hưng Yên về việc công bố đơn giá xây dựng công trình – phần xây dựng), chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng công trình – phần xây dựng bao gồm cả 10% phụ cấp không ổn định sản xuất. Vì vậy, chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình khi phê duyệt dự toán đã tính thêm 10% phụ cấp không ổn định sản xuất, làm tăng giá trị dự toán, tăng giá gói thầu. Chỉ tính riêng 5 dự án mà Đoàn thanh tra kiểm tra thì giá trị dự toán tăng thêm do tính thêm 10% phụ cấp này là hơn 12,27 tỷ đồng (trong đó các dự án do Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão quản lý là hơn 10,96 tỷ đồng, các dự án do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là hơn 1,31 tỷ đồng).

Về vấn đề nêu trên, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tại Công văn số 1320/BXD-KTXD ngày 17/6/2015 của Bộ Xây dựng trả lời Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh về việc áp dụng tính phụ cấp không ổn định sản xuất như các dự án nêu trên kể từ ngày 15/5/2015 trở về trước là phù hợp. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất thực hiện đối với khoản phụ cấp không ổn định sản xuất nêu trên.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra đã phát hiện hầu hết dự án thuộc Chương trình phê duyệt dự toán bao gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, làm như vậy là không phù hợp với quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2010/TT-BXD về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. 

Áp sai định mức chi phí thiết kế, nhân công

Tại Dự án Củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên đoạn từ K76+894 đến K124+824, qua kiểm tra việc phê duyệt các chi phí tư vấn, phi tư vấn theo tổng mức đầu tư, dự toán đã phê duyệt, đã phát hiện nhiều sai sót.

Cụ thể là tình trạng phê duyệt chi phí lập lại bản vẽ thi công tính bằng 50% đối với chi phí lập bản vẽ thi công là chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng. Theo quy định, chi phí lập lại bản vẽ thi công tính bằng 36% đối với chi phí lập bản vẽ thi công, và như vậy, giá trị dự toán tính lại theo đúng quy định giảm hơn 2,36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí phá dỡ điếm canh đê dự toán phê duyệt tạm tính trọn gói với số tiền hơn 4,75 tỷ đồng là chưa đủ cơ sở để thanh toán. Khi thanh toán, quyết toán phải xác định cụ thể, chính xác khối lượng để nghiệm thu, thanh toán, quyết toán.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện, tại dự án này, có một số chi phí phê duyệt trong dự toán không cần thiết, không phù hợp quy định, làm tăng giá trị dự toán, cần rà soát, loại bỏ như: chi phí quy đổi vốn đầu tư; chi phí di chuyển máy móc, lao động đến công trình…

Tại Dự án Xử lý sạt lở kè Phi Liệt đê tả sông Hồng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhiều sai phạm cũng được chỉ ra. Cụ thể, việc áp dụng tỷ lệ % chi phí thiết kế tính không đúng quy định đã làm tăng giá trị dự toán, nghiệm thu, thanh quyết toán thừa số tiền hơn 71,6 triệu đồng. Việc tính sai khối lượng đổ đá tạo mái làm tăng giá trị dự toán dẫn đến nghiệm thu, thanh quyết toán thừa số tiền hơn 3,7 triệu đồng. Việc tính bù giá nhân công, máy thi công đối với chi phí lán trại là không đúng quy định, dẫn đến nghiệm thu, thanh quyết toán thừa cho nhà thầu với số tiền hơn 4,6 triệu đồng.

Tại Dự án Cải tạo, sửa chữa kè Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ thì chi phí quản lý dự án tính thừa 10% thuế VAT, làm tăng giá trị dự toán là hơn 33,5 triệu đồng.

Tại Gói thầu Thi công công trình kè Đồng Thiện, tả sông Luộc, huyện Tiên Lữ thuộc Dự án Tu bổ đê điều thường xuyên năm 2011 có sai sót là dự toán tính bù giá chi phí máy thi công không đúng thực tế thi công các công việc: đá rời đổ tạo mái và rồng thép lõi đá hộc thủ công, dẫn đến nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 9,957 triệu đồng.

Tại Gói thầu Đắp và mở rộng mặt đê vị trí K7+292-K7+686 đê tả sông Luộc, huyện Tiên Lữ thuộc Dự án Tu bổ đê điều thường xuyên năm 2010 thì dự toán lập và phê duyệt biện pháp thi công đắp đất công trình dùng đất cấp 1 mua về để đắp. Như vậy, dự toán lập và phê duyệt đã không tính toán tận dụng lại khối lượng đất đào tại công trình để đắp là không tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Bộ KH&ĐT cho biết, tổng giá trị các sai sót về tài chính phát hiện qua thanh tra do các lỗi nêu trên là hơn 7,2 tỷ đồng.

Căn cứ Kết quả thanh tra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT thực hiện những nội dung cần thiết để khắc phục các sai sót được nêu trong quá trình thanh tra. Đối với chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, kiến nghị phê duyệt dự toán cần loại bỏ chi phí không cần thiết, không phù hợp quy định, áp dụng đơn giá vật tư phù hợp với giá thị trường, đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm xử lý về kinh tế, gồm: giảm trừ thanh toán lần kế tiếp, giảm trừ quyết toán số tiền hơn 2,4 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách hơn 74,2 triệu đồng; xác định cụ thể, chính xác khối lượng phá dỡ điếm canh đê do tự toán phê duyệt tạm tính trọn gói với giá trị hơn 4,75 tỷ đồng tại Dự án Củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng (đoạn từ K76+894 đến K124+824), làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán, quyết toán…

Chuyên đề