Nâng cấp Hệ thống đê sông tại Hưng Yên: Nhiều sai phạm trong đấu thầu

(BĐT) - Kết luận thanh tra mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn của Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông tại tỉnh Hưng Yên đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến công tác đấu thầu.
Tổng kinh phí nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 trên địa bàn Hưng Yên được duyệt là 393 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tổng kinh phí nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 trên địa bàn Hưng Yên được duyệt là 393 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Không lập kế hoạch đấu thầu cho toàn dự án

Ngày 9/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020, bao gồm 19 tỉnh, thành phố có đê sông từ Hà Tĩnh trở ra (trong đó có Hưng Yên) và tỉnh Đồng Tháp. Theo Chương trình, kế hoạch nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được phê duyệt với tổng kinh phí yêu cầu là 393 tỷ đồng.

Theo Kết luận thanh tra, qua thanh, kiểm tra cho thấy các dự án thuộc Chương trình Nâng cấp hệ thống đê sông tại tỉnh Hưng Yên không lập kế hoạch đấu thầu (KHĐT) cho toàn bộ dự án mà chỉ lập KHĐT cho từng gói thầu xây lắp (tương ứng với từng đoạn kè). Kết luận thanh tra khẳng định, việc không lập KHĐT cho toàn bộ dự án là không phù hợp quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005.

Mặt khác, các gói thầu xây lắp có quy mô gói thầu không hợp lý, phân chia không căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, mà căn cứ vào số vốn được phân bổ hàng năm để phân chia thành gói thầu là không phù hợp quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005, dẫn đến dự án kéo dài, làm tăng chi phí tư vấn đi theo các gói thầu xây lắp. Điển hình là Dự án Đầu tư xây dựng công trình xử lý sạt lở kè Phi Liệt đê tả sông Hồng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên do Ban Quản lý công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư. Đây là dự án nhóm B (thời gian thực hiện theo quy định không quá 5 năm) nhưng trên thực tế, thời gian thực hiện kéo dài 10 năm mới hoàn thành. Trách nhiệm để xảy ra tồn tại này thuộc về UBND tỉnh Hưng Yên, Sở KH&ĐT Hưng Yên và chủ đầu tư các dự án liên quan.

Ngoài ra, Kết luận cũng khẳng định, công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP và Thông tư số 13/2010/TT-BKH quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. 

HSMT “vẽ” thêm nhiều điều kiện quan trọng

Kiểm tra hồ sơ các gói thầu xây lắp thuộc Chương trình Nâng cấp đê sông ở Hưng Yên, Đoàn thanh tra đã phát hiện hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa thêm nhiều điều kiện quan trọng (điều kiện tiên quyết), yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu chưa phù hợp quy định Luật Đấu thầu 2005.

Cụ thể như HSMT đưa ra điều kiện tiên quyết: Nhà thầu không có phương án chi tiết về biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy phục vụ thi công gói thầu; nhà thầu không có cam kết tự ứng vốn 100% để thi công hoàn thành gói thầu; nhà thầu chào thầu với giá gói thầu lớn hơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thời gian bảo hành thấp hơn 18 tháng; không hoặc nêu ra nhiều mức thời gian thi công hoặc thời gian bảo hành công trình.

Kết luận cho biết, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP và Thông tư số 01/2010/TT-BKH thì các tiêu chí trên không thuộc điều kiện tiên quyết loại bỏ hồ sơ dự thầu (HSDT) và cũng không phải là yêu cầu quan trọng có tính đặc thù của gói thầu.

Kết luận cũng chỉ ra tình trạng HSMT đưa thêm yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu. Cụ thể, nhà thầu phải mua BHXH cho chỉ huy trưởng trong 5 năm gần đây; chỉ huy trưởng phải có hợp đồng lao động với nhà thầu tối thiểu là 5 năm và hiện tại vẫn còn hiệu lực; nhà thầu phải mua BHXH cho cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công trong 3 năm gần đây; cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công phải có hợp đồng lao động với nhà thầu tối thiểu 3 năm và hiện tại vẫn còn hiệu lực; đội ngũ công nhân kỹ thuật phải có hợp đồng lao động với nhà thầu tối thiểu 3 năm và hiện vẫn còn hiệu lực.

Theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BKH thì đối với nhân sự chủ chốt chỉ kê khai danh sách, bản khai tóm tắt năng lực, kinh nghiệm công tác. Việc HSMT đưa thêm nhiều điều kiện tiên quyết, yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu chưa phù hợp quy định có thể gây khó khăn cho nhà thầu tham gia đấu thầu. Bộ KH&ĐT nêu rõ, trách nhiệm đối với tồn tại, sai sót này thuộc về tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT và chủ đầu tư các dự án liên quan. 

Loại oan nhà thầu có năng lực

Kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, công tác đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất không thực hiện theo đúng yêu cầu HSMT, hồ sơ yêu cầu, làm sai lệch kết quả đấu thầu.

Cụ thể, tại gói thầu thi công đoạn từ K82+300 đến K84+600 của Dự án Đầu tư xây dựng công trình xử lý sạt lở kè Phi Liệt đê tả sông Hồng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, theo đánh giá của Tổ chuyên gia, nhà thầu Công ty TNHH Mạnh Linh bị loại ngay ở bước đánh giá sơ bộ (do vi phạm điều kiện tiên quyết) với lý do: có cam kết ứng vốn thi công nhưng không có tài liệu chứng minh khả năng tài chính để đáp ứng tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên, kiểm tra HSDT cho thấy nhà thầu này đã có đủ tài liệu chứng minh khả năng tài chính để đáp ứng tiến độ thi công công trình theo yêu cầu của HSMT do đã có văn bản của Ngân hàng cam kết đáp ứng đầy đủ vốn cho nhà thầu tham gia đấu thầu và thực hiện gói thầu trên.

Như vậy, việc Tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu Công ty TNHH Mạnh Linh không đáp ứng điều kiện tiên quyết quy định trong HSMT là không đúng yêu cầu HSMT, dẫn đến loại bỏ nhà thầu này trong khi nhà thầu này có thể trúng thầu do có giá đánh giá, giá dự thầu thấp nhất (20,35 tỷ đồng) và đáp ứng yêu cầu HSMT.

Tại gói thầu đường hành lang chân đê, vị trí K6+500 đến K6+890 đê tả sông Luộc, huyện Tiên Lữ thuộc kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều 2010 có tình trạng hồ sơ đề xuất của nhà thầu được phê duyệt chỉ định thầu (Liên danh Công ty TNHH Tân Phát và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Nam Định) thì thành viên liên danh là Công ty TNHH Tân Phát chưa đạt yêu cầu về hợp đồng tương tự  do hợp đồng tương tự kê khai trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu này có giá trị chỉ đạt 31% giá trị khối lượng công việc mà nhà thầu này đảm nhận.

Qua thanh tra, Bộ KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu chấn chỉnh công tác lựa chọn nhà thầu (lập, thẩm định, phê duyệt HSMT, hồ sơ yêu cầu; đánh giá HSDT, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu); thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

Theo Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết tuyến sông Hồng và sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 do UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt thì tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch dự kiến khoảng 7.619,68 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2015 là 2.816,13 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 4.803,55 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Quy hoạch là vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn vay ODA, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn đóng góp của dân và những nguồn vốn hợp pháp khác.

Chuyên đề