Muôn mặt nhà thầu

(BĐT) - Thực tiễn đấu thầu hết sức phong phú và sinh động đã cho thấy, bên cạnh những nhà thầu chân chính thì vẫn có một bộ phận nhà thầu đang “lạm dụng” tư cách nhà thầu của mình để làm những điều thiếu minh bạch, đáng bị pháp luật và xã hội lên án.
Một số nhà thầu còn sử dụng xã hội đen để ngăn cản các nhà thầu khác nộp hồ sơ dự thầu
Một số nhà thầu còn sử dụng xã hội đen để ngăn cản các nhà thầu khác nộp hồ sơ dự thầu

“Nghề” đi mua hồ sơ mời thầu

Có những nhà thầu mà chỉ cần nhắc đến tên thôi là nhiều bên mời thầu/chủ đầu tư đã phải lắc đầu ngán ngẩm vì những chiêu bài quen thuộc như: Mua hồ sơ mời thầu (HSMT) ở cuối thời gian mời thầu, tìm đủ mọi cách để làm khó bên mời thầu/chủ đầu tư; mua xong HSMT thì “vạch lá tìm sâu” rồi vòi vĩnh bên mời thầu/chủ đầu tư và trong trường hợp yêu cầu không được đáp ứng thì gửi đơn khiếu kiện lên báo chí, các cơ quan chức năng…

Quá trình tìm hiểu nhiều sự việc được phản ánh qua Đường dây nóng của Báo Đấu thầu đã cho thấy, không phải lúc nào những phản ánh của nhà thầu đối với bên mời thầu/chủ đầu tư cũng đều đúng và trong nhiều trường hợp, nhà thầu cố tình “đẩy khó” cho chủ đầu tư/bên mời thầu.

Phóng viên còn rất nhớ câu chuyện có một nhà thầu đặt mua HSMT một gói thầu ở tỉnh X qua đường bưu điện vào những ngày cuối cùng phát hành hồ sơ. Khi nhân viên bưu điện đến giao tiền cho chủ đầu tư thì chỉ còn đúng 1 ngày nữa là đến thời điểm đóng thầu, chủ đầu tư vội vàng chuyển ngay HSMT cho nhà thầu bằng đường bưu điện. Khi HSMT được phía bưu điện chuyển đến cho nhà thầu thì nhà thầu không chịu nhận HSMT với lý do đã quá thời gian đóng thầu và đòi chủ đầu tư phải “đền bù”. Nhà thầu này sau đó đã làm đơn phản ánh gửi đến Báo Đấu thầu và cho rằng, chủ đầu tư đã không chịu bán HSMT cho nhà thầu. Và quá trình tìm hiểu, làm rõ sự việc nhà thầu phản ánh lại đưa phóng viên đến một sự thật khác là chính nhà thầu đã cố tình làm khó chủ đầu tư.

Chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ KH&ĐT cho rằng, việc nhà thầu trượt thầu có chủ đích đang đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ tham gia đấu thầu của nhà thầu, nhà thầu đang “bán rẻ hình ảnh” và uy tín của mình vì những lợi ích kinh tế?!
Đại diện một bên mời thầu ở Hà Nội trong một cuộc trò chuyện với phóng viên cũng khẳng định, có một sự thật là “nghề” đi mua HSMT có khi lại là nghề “hot”, vì nhà thầu chỉ cần bỏ ra một vài triệu đồng để mua 1 bộ HSMT nhưng nhiều khi lợi ích, những đòi hỏi của nhà thầu thì còn lớn hơn nhiều. Phóng viên đặt câu hỏi: “Vì sao Bên mời thầu lại phải đáp ứng những yêu cầu không chính đáng của nhà thầu? Bên mời thầu lấy kinh phí ở đâu để “chi cho những khoản không chính thức này?”. Câu trả lời mà phóng viên nhận được thật đáng buồn là: “Chiều nhà thầu cho xong chuyện, kinh phí thì do nhà thầu trúng thầu dàn xếp, tự họ thỏa thuận với nhau…”.

Vào vai nhà thầu “chân gỗ”

Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu cũng đã đăng tải một số tin, bài phản ánh về tình trạng nhà thầu tham gia nộp HSDT nhưng lại cố tình trượt thầu, chẳng hạn như trường hợp một nhà thầu bị loại ngay ở “vòng ngoài” vì không nộp bảo lãnh dự thầu khi tham dự 2 gói thầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trường hợp Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung có tình trạng một số nhà thầu trượt thầu vì đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án… Điều này đang phản ánh một tình trạng đáng lo ngại là việc tham dự thầu và trượt thầu của một số nhà thầu là có chủ đích, những nhà thầu này chỉ là “quân xanh”, “chân gỗ” cho những nhà thầu “quân đỏ”, “nhà thầu ruột” trong sân chơi đấu thầu?!

Chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ KH&ĐT cho rằng, việc nhà thầu trượt thầu có chủ đích đang đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ tham gia đấu thầu của nhà thầu, nhà thầu đang “bán rẻ hình ảnh” và uy tín của mình vì những lợi ích kinh tế?! Và động cơ không lành mạnh này của nhà thầu đáng bị lên án.

Chuyên đề