Muôn mặt liên danh nhà thầu

(BĐT) - Khi tham gia đấu thầu, những nhà thầu không đủ tiềm lực sẽ liên danh với các nhà thầu khác để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo thực hiện tốt gói thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi mượn danh, lợi dụng quy định về liên danh trong đấu thầu vẫn diễn ra.
Nếu thỏa thuận liên danh chỉ là ảo, chủ đầu tư thường gặp nhiều khó khăn trong quản lý hợp đồng xây dựng sau đấu thầu khi phải truy trách nhiệm của liên danh. Ảnh: Quang Tuấn
Nếu thỏa thuận liên danh chỉ là ảo, chủ đầu tư thường gặp nhiều khó khăn trong quản lý hợp đồng xây dựng sau đấu thầu khi phải truy trách nhiệm của liên danh. Ảnh: Quang Tuấn

Liên danh 9 nhà thầu vẫn trượt

Sau khi Báo Đấu thầu đăng tải thông tin về danh sách liên danh nhà thầu được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM xác định có tiềm năng để đi vào vòng đánh giá tiếp theo tại Gói thầu CP0 thuộc Dự án “Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương” (số báo ra ngày 7/3/2016), trong cộng đồng nhà thầu thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị đã và đang dấy lên những bình luận phong phú.

Một nhà thầu trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông chia sẻ với Báo Đấu thầu: “Soi kỹ danh sách 3 liên danh nhà thầu tiềm năng, có thể thấy, đây là một trong những ekip hùng hậu nhất, thiện chiến nhất trong lĩnh vực di dời hạ tầng kỹ thuật của một gói thầu EPC tầm cỡ khi triển khai tại TP.HCM”.

Trong khi đó, có một liên danh gồm 9 nhà thầu không được xác định là nhà thầu tiềm năng. Liên danh này bị loại với lý do hồ sơ của nhà thầu không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, tài chính và kỹ thuật. Cụ thể là Liên danh Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (DESCON) - Công ty CP Đầu tư kinh doanh điện lực TP.HCM - Công ty CP Cơ khí điện Lữ Gia - Công ty CP Dịch vụ Tư vấn Thiết kế Môi trường Sài Gòn - Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Nguyễn Nguyên Long - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật truyền thông HTV - Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist - Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP.HCM.

Một nhà thầu khác chuyên về tư vấn xây dựng chia sẻ thêm: Việc có liên danh nhà thầu không được lựa chọn dù đã huy động đến 9 nhà thầu có thương hiệu, trong số đó, không ít nhà thầu xuất thân từ đơn vị nhà nước, thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt và phương thức tìm “đồng minh” để kề vai hợp lực khi tham gia đấu thầu “cân não” như thế nào. Và một khi các “anh tài” đã tìm cách liên kết, bên mời thầu đã phải đánh giá năng lực của những liên danh này thực sự khách quan, công bằng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng mới tổ chức mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật Gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc Dự án Đường Bạch Đằng nối dài, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một. Tham gia gói thầu này là một loạt liên danh các nhà thầu quy mô tầm trung trở lên trong lĩnh vực giao thông. Các liên danh tham gia gói thầu này được nhiều người đánh giá là có sức cạnh tranh ngang ngửa khi dàn đội hình liên kết. 

Mối liên kết đầy vay mượn để đối phó

Liên danh là một hình thức liên kết mang lại rất nhiều lợi thế trong đấu thầu cạnh tranh. Liên danh giúp các nhà thầu không đủ năng lực tham gia có thể đặt chân vào những dự án lớn để học hỏi thêm kinh nghiệm, nâng cao công nghệ, giải pháp thi công với các thành viên liên danh trong toàn bộ quá trình thực hiện các gói thầu. Các chuyên gia cũng cho rằng, liên danh là lựa chọn thông minh cho mọi nhà thầu nhỏ để tạo đà phát triển.

Tuy nhiên, công tác đấu thầu thời gian qua ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp của thỏa thuận liên danh. Bộ phận kế toán của một nhà thầu tại TP.HCM cho biết, đơn vị này đang gặp khó khăn khi làm thủ tục để thanh quyết toán. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện nhà thầu này tiết lộ: “Công ty tôi có liên danh với 1 nhà thầu khác để tham gia đấu thầu 1 công trình xây dựng. Trong hợp đồng liên danh thì ghi cụ thể là công ty tôi thi công 52% giá trị công trình, nhà thầu kia thi công 48% giá trị công trình. Nhưng thực tế thì chỉ mình công ty tôi thi công thôi, chúng tôi chỉ mượn danh nhà thầu kia để hoàn thiện hồ sơ của mình”.

Trong rất nhiều buổi mở thầu, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu vẫn không ngại ngần cho biết, việc “mượn danh” trong đấu thầu hiện nay phổ biến đến mức, nhà thầu nào không biết liên danh là… kém. “Chúng tôi là nhà thầu trong cuộc và thừa hiểu rằng, khi đã liên danh, chắc chắn việc sử dụng năng lực của thành viên liên danh còn lại chỉ là yếu tố bổ khuyết trên hồ sơ. Việc ký hợp đồng, phân chia trách nhiệm trong thỏa thuận liên danh cũng chỉ là hợp thức hóa. Việc của ai, chia lợi nhuận như thế nào, đó là chuyện bí mật giữa các nhà thầu với nhau”, một nhà thầu ở Bình Dương phản ánh.

Trong khi đó, hiện nay nổi lên hiện tượng, rất nhiều gói thầu mua sắm, xây lắp có liên danh với phạm vi nhà thầu rất rộng về vị trí địa lý, chẳng hạn nhà thầu ở TP.HCM liên danh với nhà thầu ở Hà Nội... Việc bố trí nhân lực, thiết bị để thực hiện gói thầu giữa các nhà thầu này thực sự phức tạp.

Câu chuyện quản lý hợp đồng xây dựng sau đấu thầu với những gói thầu được giao cho liên danh cũng rất phức tạp. Một chủ đầu tư ở Hà Tĩnh qua trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu đã bày tỏ quan ngại: “Liên danh nhà thầu còn có trách nhiệm rất lớn đối với những hạng mục bảo hành, sửa chữa, thay thế… của công trình. Nếu thỏa thuận liên danh chỉ là ảo, trách nhiệm sẽ chỉ thuộc về một nhà thầu. Rất khó khăn cho các chủ đầu tư khi phải đối phó với các dạng liên danh này, bởi lúc đó, chỉ có thể truy một nhà thầu mà trên danh nghĩa, năng lực của họ chỉ đáp ứng được một hoặc một vài hạng mục của gói thầu”.

Chuyên đề