Mua sắm công xanh mới ở mức độ khuyến khích

(BĐT) - Tổng kết các hoạt động mua sắm công xanh (MSCX) tại Việt Nam sau 1 năm hợp tác với Viện Công nghệ và Môi trường Hàn Quốc (KEITI) thực hiện Thỏa thuận hợp tác về MSCX cho thấy, Việt Nam vẫn thiếu những hướng dẫn chi tiết về thực hiện MSCX. Việc thực hiện MSCX trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn cần được tháo gỡ.
Doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ thân thiện với môi trường cần được hỗ trợ phát triển sản phẩm. Ảnh: Hoài Tâm
Doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ thân thiện với môi trường cần được hỗ trợ phát triển sản phẩm. Ảnh: Hoài Tâm

Thiếu hướng dẫn chi tiết

Kết quả nghiên cứu về MSCX của Việt Nam do Tổng cục Môi trường Việt Nam và KEITI thực hiện cho thấy, những nỗ lực của các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện mua sắm công bền vững tại Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Hiện Việt Nam đã có những quy định khuyến khích về MSCX như: Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đấu thầu (Điều 12 - tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chí tác động môi trường và giải pháp); Luật Bảo vệ môi trường năm 2014… Đồng thời, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược và kế hoạch quốc gia thúc đẩy MSCX như: Chiến lược Quốc gia về phát triển bền vững (2011 - 2020); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2011 - 2020); Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai MSCX.

Tại Hội thảo tổng kết các hoạt động về MSCX tại Việt Nam diễn ra ngày 23/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, thiếu liên kết, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, dẫn đến sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan chủ quản. Ngoài ra, nhận thức và năng lực của các cán bộ mua sắm, đấu thầu về MSCX còn hạn chế, cũng như thiếu các văn bản pháp lý và tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu.

Đồng tình với nhận xét của đại diện Tổng cục Môi trường, ông Ik Kim, Giám đốc Công ty SmartEco - đơn vị tư vấn nhìn nhận, mặc dù Việt Nam đã có những quy định đề cập đến MSCX, nhưng thực tế vẫn thiếu khung pháp lý bắt buộc đối với vấn đề này, thiếu định nghĩa sản phẩm thân thiện với môi trường…

Cho ý kiến về vấn đề này, tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 chưa có tiêu chí hay quy định nào ưu đãi rõ ràng với MSCX ngoài việc có yêu cầu kỹ thuật đối với gói thầu xây lắp hay mua sắm hàng hóa là tuân thủ pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, trách nhiệm đó hoàn toàn là của chủ đầu tư - đại diện mua sản phẩm. Nếu họ thấy cần thiết phải mua sắm sản phẩm xanh thì đưa vào chứ không có quy định nào bắt buộc phải thực hiện. 

Mua sắm công xanh sẽ là tất yếu

Nhận định về xu hướng mua sắm công trong thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, MSCX sẽ là hoạt động tất yếu. “Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan và các nhà tài trợ đang xây dựng đề án, trong đó hướng tới đưa ra khung pháp lý về MSCX. Và để triển khai mạnh mẽ hơn hoạt động MSCX, sẽ tiến tới đề xuất bổ sung quy định về MSCX khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, trong đó có chính sách ưu đãi đối với hàng hóa trong nước khi sản xuất xanh, xây dựng danh mục sản phẩm có thể bắt buộc áp dụng mua sắm sản phẩm xanh…

Nhằm đẩy mạnh MSCX tại Việt Nam, đại diện tư vấn đề xuất lộ trình thực hiện MSCX và đề xuất về mặt pháp lý triển khai MSCX. Về lộ trình thực hiện, đại diện SmartEco cho rằng, Việt Nam có thể đưa ra lộ trình 3 giai đoạn để triển khai với thời gian cụ thể, giai đoạn ngắn hạn 2019 - 2023; trung hạn 2024 - 2028; dài hạn 2029 - 2033.

Về mặt pháp lý, SmartEco cho rằng, Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý rõ ràng đối với MSCX thay vì chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích như hiện nay. Theo đó, cần định nghĩa chính xác thế nào là sản phẩm thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ thân thiện với môi trường…, từ đó quy định ưu tiên trong MSCX cùng với một hệ thống quản lý hiệu quả. Và để thực hiện, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ đơn giản hóa hệ thống chứng nhận; cơ quan nhà nước đề xuất lập kế hoạch MSCX và báo cáo kết quả MSCX…

Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế tán thành và cho rằng, cần sửa đổi khung pháp lý về MSCX tại Việt Nam với việc sử dụng kết quả nghiên cứu của KEITI như một tài liệu tham khảo quý trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan, nhất là quá trình xây dựng và hoàn thiện thông tư về mua sắm sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường. Cùng với đó, đưa ra mục tiêu để đạt 300 sản phẩm được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành trong triển khai MSCX… Phương án tốt nhất để đẩy mạnh MSCX là các cơ quan nhà nước nên là người đi đầu trong hoạt động này, từ đó lôi kéo khối tư nhân tham gia mua sắm xanh trên tất cả các lĩnh vực.

Chuyên đề