Mua sắm công bền vững: Động lực của phát triển

(BĐT) - Ứng dụng mua sắm công bền vững/mua sắm xanh sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, an ninh và bình đẳng trong xã hội. 
Việc thực hiện mua sắm công xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Việc thực hiện mua sắm công xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần nâng cao nhận thức về mua sắm xanh, đặc biệt là chú trọng đào tạo cho các cán bộ mua sắm trong các cơ quan nhà nước về mua sắm công xanh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn về đấu thầu.

Tương thích với chính sách đấu thầu Việt Nam

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, mua sắm công bền vững là động lực lớn để phát triển bền vững vì mua sắm công bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy bình đẳng cả về xã hội và các khía cạnh kinh tế.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2010 - 2020 đã được Chính phủ ban hành. Nỗ lực nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên, và sức cạnh tranh, Việt Nam đã xây dựng và phê duyệt Chiến lược Phát triển xanh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) cho biết, hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đã cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện mua sắm công bền vững. “Mua sắm công bền vững tuân thủ những yếu tố của mua sắm công tốt mà Việt Nam đang nỗ lực kiến tạo - minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử, có trách nhiệm, sử dụng hiệu quả ngân sách. Theo chúng tôi được biết, những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam như Nhật Bản, WB, ADB, EC đều có những tiêu chí cụ thể về mua sắm công bền vững khi triển khai các kế hoạch hỗ trợ thông qua các gói thầu cụ thể”, bà Hòa nhận định.

Theo Báo cáo về mua sắm công bền vững của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chi trung bình 20 - 30% ngân sách hàng năm vào mua sắm công. Con số này có thể tăng lên tới 50% nếu bao gồm chi tiêu cho thi công. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm công bền vững như thiếu liên kết, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, dẫn đến sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan chủ quản; thiếu các văn bản pháp lý và các tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu. Nhận thức và năng lực của các cán bộ mua sắm, đấu thầu về mua sắm công bền vững còn hạn chế.

Bên mời thầu là động lực của mua sắm công bền vững

Theo đánh giá của AIT-VN, Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện các quy định về sáng kiến của Chính phủ liên quan đến mua sắm công. Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và chỉ tập trung mua sắm một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử..., chưa trở thành điểm nhấn của toàn bộ công tác mua sắm công.

Kết quả điều tra độc lập của AIT-VN cho thấy, việc triển khai thực hiện mua sắm công xanh còn gặp phải một số trở ngại lớn, trước hết là về vấn đề nhận thức. Hầu hết cán bộ chịu trách nhiệm mua sắm của các cơ quan hiện nay chưa được đào tạo, tập huấn hay được cung cấp thông tin sâu về lĩnh vực mua sắm công xanh. “Từ những điều tra ban đầu cho thấy, bên mời thầu là động lực của mua sắm công bền vững tại Việt Nam. Đây chính là đối tượng có vai trò quan trọng trong việc xác định vòng đời của sản phẩm mua sắm. Do đó, việc nâng cao năng lực của người mua sắm tại Việt Nam là cực kỳ quan trọng”, các chuyên gia thế giới có cùng quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Bích Hòa khẳng định, trong nỗ lực triển khai chiến lược mua sắm công bền vững, phải bắt đầu từ chính việc xây dựng các hồ sơ mời thầu bền vững. Luật Đấu thầu của Việt Nam đã ban hành và thực hiện một số quy định rất tương thích trong nội dung phát triển bền vững như đã có những ưu đãi rõ ràng, dễ áp dụng khi dự thầu cho các đối tượng như: nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới và nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật... Bên cạnh đó, bên mời thầu hoàn toàn chủ động trong việc đưa ra các tiêu chí phù hợp với quy mô và tính chất của từng gói thầu chính là điểm mở rất lớn để đưa mua sắm công bền vững vào hồ sơ mời thầu.

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế Tổng cục Môi trường cho biết, hiện nay, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng đã bước đầu nhận thức được vai trò của mua sắm công xanh. Hầu hết đều thể hiện sự quan tâm đến việc lồng ghép các tiêu chí môi trường trong quá trình mua sắm công.

Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc rà soát, điều chỉnh khung pháp lý về mua sắm công bền vững sẽ có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới dựa trên các điều khoản đã quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đấu thầu. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cân nhắc xây dựng thông tư quy định về việc sử dụng các nhãn sinh thái trong mua sắm công. Đồng thời, chúng ta cũng có kế hoạch đề xuất một văn phòng thường trực đặt tại Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc tại Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính chuyên về mua sắm công bền vững. Song song với đó là sẽ tổ chức các gói thầu thí điểm cho các cơ quan Trung ương đã xây dựng kế hoạch mua sắm công bền vững.

Chuyên đề