Mở gói thầu “lùm xùm” tại Hanel

(BĐT) - Sáng ngày 7/6/2017, Công ty TNHH MTV Hanel (chủ đầu tư) đã tiến hành đóng thầu và mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu từng bị nhà thầu “tố” mà Báo Đấu thầu đã phản ánh trong bài viết “Hanel phát hành HSMT theo “kiểu riêng”” (số báo ra ngày 31/5/2017).
Cả 3 nhà thầu nộp HSDT đều mua HSMT từ ngày đầu tiên phát hành HSMT. Ảnh: Tuấn Dũng
Cả 3 nhà thầu nộp HSDT đều mua HSMT từ ngày đầu tiên phát hành HSMT. Ảnh: Tuấn Dũng

Chỉ 3 nhà thầu nộp HSDT

Gói thầu KS4: Tư vấn khảo sát địa chất công trình, phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình khách sạn, trung tâm thương mại công nghệ và Trường Cao đẳng Công nghệ Thăng Long thuộc Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu này là từ 9h ngày 18/5/2017 đến 9h ngày 7/6/2017. Đã có 5 nhà thầu đến mua HSMT, trong đó 4 nhà thầu mua HSMT vào ngày 18/5/2017 và 1 nhà thầu mua HSMT vào ngày 29/5/2017.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm đóng thầu, chỉ có 3 nhà thầu nộp HSDT gồm: Trung tâm Nghiên cứu địa kỹ thuật (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội); Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội; Công ty TNHH Tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng mỏ - địa chất (CODECO).

Theo nội dung biên bản mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật sáng ngày 7/6/2017, mỗi nhà thầu đều nộp 1 bản gốc và 3 bản sao; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 3 nhà thầu đều là 120 ngày, kể từ 9h ngày 7/6/2017.

Về thời gian thực hiện hợp đồng ghi trong đơn dự thầu thì Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội ghi thời gian là 20 ngày, 2 nhà thầu còn lại ghi là 21 ngày. Ông Nguyễn Ngọc Công - cán bộ phụ trách bán HSMT của gói thầu trên cho biết, HSMT yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng là 21.

Quá trình tìm hiểu thông tin của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, cả 3 nhà thầu tham dự nộp HSDT sáng ngày 7/6/2017 đều mua HSMT từ ngày đầu tiên phát hành HSMT.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lê Chi, Phó Trưởng ban Ban Dự án  của Hanel cho biết, Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội có tổng mức đầu tư 957 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của Hanel là 570 tỷ đồng, phần còn lại là vốn vay thương mại và xã hội hóa. Dự án được chia làm 2 phần: phần hạ tầng kỹ thuật và phần công trình. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành 8 gói thầu lớn của Dự án thuộc phần hạ tầng kỹ thuật và năm 2022 sẽ làm xong toàn bộ Dự án. 

“Sơ suất” không niêm phong hồ sơ

Có một điều khá đặc biệt trong Lễ mở thầu diễn ra sáng ngày 7/6/2017 là nhà thầu Trung tâm Nghiên cứu địa kỹ thuật (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) không tiến hành niêm phong HSDT (bao gồm cả 2 túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật và đề xuất tài chính).  Trung tâm này có  vốn điều lệ 8 tỷ đồng, có địa chỉ tại Nhà C5, phòng 201, 202, 304 Đại học Bách Khoa Hà Nội, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Chiều ngày 7/6/2017, ông Lê Hữu Tú, cán bộ phụ trách tham gia đấu thầu gói thầu trên của Trung tâm Nghiên cứu địa kỹ thuật cho rằng, việc HSDT của nhà thầu này không niêm phong là do sơ suất của ông Đỗ Quang Huy - cán bộ đi nộp HSDT và tham dự Lễ mở thầu. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện HSDT có sự tham gia của 8 cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu địa kỹ thuật. Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, việc Trung tâm Nghiên cứu địa kỹ thuật không tiến hành niêm phong 2 túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật và đề xuất tài chính đã được công khai tại Lễ mở thầu sáng ngày 7/6/2017. Ông Đỗ Quang Huy cũng đã ký xác nhận nội dung này vào Biên bản tiếp nhận HSDT và Biên bản mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Tuy nhiên, chiều ngày 7/6/2017, ông Lê Hữu Tú – cán bộ chủ trì làm HSDT trả lời phóng viên Báo Đấu thầu là vừa mới biết sự sơ suất này. Ông Tú cho rằng, có thể do ông Đỗ Quang Huy vội quá nên quên mất phải niêm phong HSDT.

TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc niêm phong HSDT là việc cần làm, nên làm của mỗi nhà thầu để đảm bảo quyền lợi, sự bảo mật thông tin trong đấu thầu cho chính nhà thầu. Đặc biệt, trong trường hợp đấu thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ thì việc nhà thầu thực hiện niêm phong sẽ bảo mật hồ sơ tài chính cho chính nhà thầu trong thời gian chấm hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Vì thế, việc “bất cẩn” không niêm phong HSDT dù vô tình hay có hữu ý thì sẽ tăng rủi ro cho nhà thầu, nguy cơ lộ hồ sơ đề xuất tài chính, thất thoát các tài liệu trong HSDT là hiện hữu.

Chuyên đề