Lúng túng xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công

(BĐT) - Bàn về Dự thảo Nghị định quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) từ nguồn kinh phí thường xuyên, nhiều bộ, ngành cho rằng, các phụ lục về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo Dự thảo Nghị định chưa sát thực tế, có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, thậm chí không thực hiện được. 
Hà Nội đã ban hành nhiều danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc hầu hết các lĩnh vực và theo thẩm quyền. Ảnh: Lê Tiên
Hà Nội đã ban hành nhiều danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc hầu hết các lĩnh vực và theo thẩm quyền. Ảnh: Lê Tiên

Cơ quan soạn thảo cũng thừa nhận, có sự lúng túng trong quá trình dự thảo nội dung này và cần nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa của các bộ, ngành.

Vẫn còn ý kiến khác nhau

Trong Dự thảo Nghị định quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí thường xuyên, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) cho biết, đã kế thừa có chọn lọc Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (Nghị định 130) và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN (Quyết định 39).

Với sự kế thừa đó, Dự thảo Nghị định xây dựng kèm theo Danh mục sản phẩm, dịch vụ công gồm Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN (gồm 2 biểu của Phụ lục 1) và Danh mục sản phẩm, dịch vụ công (Phụ lục 2).

Khi góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định tại buổi họp thẩm định của Bộ Tư pháp mới đây, nhiều đại diện các bộ, ngành cho rằng, để đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành thì Danh mục sản phẩm, dịch vụ công nên thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Theo đó, việc xác định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của ngành, lĩnh vực quản lý sẽ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương xác định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) bày tỏ quan điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công ở các lĩnh vực thì không nên đưa danh mục theo Biểu 1 của Phụ lục 1 nêu trên nữa, mà cứ thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ mới ký ban hành Quyết định 1990 kèm theo danh mục dịch vụ sự nghiệp công, nên nếu thực hiện theo Dự thảo Nghị định thì có những dịch vụ bao quát quá, có những dịch vụ lại chưa đầy đủ, thậm chí có những quy định chồng chéo nhau.

Một cán bộ của Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiều quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc hầu hết các lĩnh vực và thuộc thẩm quyền của địa phương để triển khai thực hiện, do không thể chờ đợi các bộ, ngành của Trung ương ban hành danh mục. Khi đối chiếu với Danh mục của Dự thảo Nghị định, Sở Tài chính Hà Nội nhận thấy có một số danh mục dịch vụ mà ở địa phương đang thực hiện không sử dụng NSNN. Do vậy, nếu ban hành Biểu 1 nêu trên thì TP. Hà Nội sẽ phải điều chỉnh thành dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Để tránh “vênh” giữa thực tế thực hiện ở địa phương và Dự thảo Nghị định, đại diện Sở Tài chính Hà Nội đề nghị cân nhắc không ban hành Biểu 1 của Phụ lục 1 thuộc Dự thảo Nghị định.

Đối với Biểu 2 của Phụ lục 1 thuộc Dự thảo Nghị định, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện Thành phố đang triển khai đấu thầu hầu hết các dịch vụ thuộc biểu này; phấn đấu tới năm 2018 sẽ đấu thầu tất cả các loại dịch vụ này. Do đó, nếu các danh mục tại Biểu 2 là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN được thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ thì cơ bản đã không kế thừa được Nghị định 130, vì theo quy định của Nghị định thì đây là những dịch vụ công ích. 

Có lúng túng vì liên quan tới đặc thù từng ngành

Giải trình thêm về Dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo – Bộ Tài chính cho biết, khi thực hiện rà soát danh mục của Nghị định 130, Bộ Tài chính nhận thấy một số dịch vụ được nêu có nguồn được đảm bảo từ nguồn thu phí hoặc NSNN đặt hàng theo giá tính đủ và chưa tính đủ. Trong khi dịch vụ công ích chỉ được Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa giá tiêu thụ theo quy định của Nhà nước và phần chênh lệch giữa số tiền cho người được hưởng sản phẩm thanh toán theo quy định. Còn dịch vụ sự nghiệp công thì Nhà nước đặt hàng và đảm bảo đơn vị sự nghiệp khi cung cấp dịch vụ đó sẽ được đảm bảo nguồn chi thường xuyên từ NSNN. Do đó, 2 khái niệm này có sự khác nhau nên Bộ Tài chính đã rà soát và chỉnh sửa có chọn lọc lại danh mục này.

Đối với danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và đây cũng là sự lúng túng của Ban soạn thảo khi xây dựng Dự thảo Nghị định. Bởi, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN có liên quan đến đặc thù của từng ngành và trực tiếp các bộ, ngành, địa phương mới biết cái gì xã hội hóa được, cái gì phải sử dụng NSNN. Mặc dù Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Quyết định số 695/QĐ-TTg đã giao cho các bộ, ngành ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN nhưng nhiều bộ, ngành vẫn không ban hành được. Do đó, cơ quan soạn thảo thay mặt các bộ, ngành đưa danh mục này vào Dự thảo Nghị định và do chỉ mang tính nguyên tắc, nên nhiều nội dung trong danh mục chưa được rõ ràng, cụ thể.

Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan soạn thảo định hướng nghiên cứu theo 2 phương án. Một là, nếu giữ nguyên Dự thảo Nghị định thì khi ban hành sẽ chưa có căn cứ để thực hiện, nên sẽ cần thêm sự góp ý của các bộ, ngành, địa phương. Hai là, Dự thảo Nghị định đã có 1 khoản quy định thẩm quyền Trung ương giao Thủ tướng Chính phủ, địa phương giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh xây dựng danh mục này và được thể hiện rõ trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP; do vậy, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu phương án kế thừa quy định này làm căn cứ để thực hiện.

Chuyên đề