Lòng vòng đường đi chỉ định thầu

(BĐT) - Báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT về tình hình hoạt động đấu thầu năm 2016 cho thấy bức tranh chỉ định thầu ở nước ta trong năm qua có dấu hiệu giảm về giá trị thực hiện chỉ định thầu song vẫn còn những bất cập trong việc vận dụng quy định có liên quan. 
Lòng vòng đường đi chỉ định thầu

Đáng chú là có sự “lòng vòng” trong việc vận dụng Điều 26 Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với những gói thầu đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu. 

Tiết kiệm thấp khi áp dụng chỉ định thầu

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm qua, tổng giá trị chỉ định thầu giảm hơn so với các năm 2015 và 2014. Theo đánh giá của Bộ, các quy định tại Luật Đấu thầu đã giúp giảm dần tình trạng chỉ định thầu. Cụ thể, năm 2016 tổng giá trúng thầu các gói thầu là hơn 72.272 tỷ đồng (tổng giá các gói thầu là hơn 74.291 tỷ đồng). So với năm 2015, tổng giá trúng thầu giảm hơn 23.386 tỷ đồng (tổng giá gói thầu giảm 25.248 tỷ đồng); và so với năm 2014, tổng giá trúng thầu giảm hơn 42.607 tỷ đồng (tổng giá gói thầu giảm gần 43.897 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong năm 2016, trong các hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu chiếm số lượng gói thầu lớn nhất với 136.218 gói thầu (chiếm 69,24%) nhưng có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất (chỉ đạt 2,72%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm trung bình qua đấu thầu năm 2016 đạt 7,11%). Tổng giá các gói thầu áp dụng chỉ định thầu chiếm 13,61% tổng giá các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu trong năm 2016.

Điểm đáng chú ý trong Báo cáo của Bộ KH&ĐT là: “Hiện nay có tình trạng nhiều dự án, gói thầu đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu nhưng người có thẩm quyền không tự quyết định mà trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, hoặc các gói thầu không thực sự có tính đặc thù riêng biệt song vẫn trình Thủ tướng Chính phủ áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu”.

Bộ KH&ĐT nhận định, điều này là không phù hợp với các quy định pháp luật về đấu thầu, tăng áp lực trình Thủ tướng Chính phủ, làm giảm hiệu quả của các gói thầu do không đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Hơn thế nữa, nhiều gói thầu nêu lý do cấp bách, khẩn cấp trình và được Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng Điều 26 nhưng sau đó triển khai chậm trễ, không đúng theo phương án đã đề xuất. 

“Đặc biệt” không phải là “chỉ định thầu”!

Liên quan đến các quy định của pháp luật chuyên ngành về chỉ định thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay vẫn còn một số ngành, lĩnh vực còn có quy định chồng chéo, chưa thống nhất với pháp luật về đấu thầu, trong đó Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 quy định việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị thông qua hình thức chỉ định thầu. Một văn bản khác là Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg có quy định về một số công trình, hạng mục công trình lâm sinh được áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa phù hợp với các trường hợp được chỉ định thầu quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Thời gian gần đây, có nhiều địa phương, đơn vị đã xin cơ chế “đặc biệt” cho các gói thầu, dự án song sau một thời gian loay hoay với phương án đặc biệt thì cũng quay về “vận dụng chỉ định thầu”. Quy trình thủ tục phổ biến trong các phương án lựa chọn nhà thầu “đặc biệt” này là hồ sơ lựa chọn nhà thầu được phát hành cho nhà thầu đã được xác định, tiếp đó, nhà thầu sẽ trình nộp lại hồ sơ đề xuất. Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ lựa chọn nhà thầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến  độ, khối lượng, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu. Nhà thầu được đề nghị thực hiện gói thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có hồ sơ đề xuất hợp lệ; có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ lựa chọn nhà thầu; có giá đề nghị thực hiện gói thầu không vượt dự toán gói thầu được duyệt…

Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, trong Luật Đấu thầu 2013, nội dung về chỉ định thầu (Điều 22) được quy định tương đối cụ thể nhằm đảm bảo tính hiệu lực cao, thực hiện thống nhất, nhất quán, nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành có liên quan. Trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 (NĐ63), phần về chỉ định thầu chỉ hướng dẫn hạn mức chỉ định thầu; còn phạm vi, đối tượng, các trường hợp được chỉ định thầu đã được quy định chi tiết trong Luật.

Ông Tăng cũng lưu ý về việc vận dụng quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu 2013. Theo đó, Điều 26 quy định, trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Có nghĩa là, khi không thể áp dụng một trong các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, chỉ định thầu theo quy định của Luật thì mới áp dụng cơ chế đặc thù.

“Vì vậy, việc áp dụng Điều 26 là không dành cho trường hợp chỉ định thầu… Phải kiên quyết chặn đứng hiện tượng chỉ định thầu nhưng lại gọi là trường hợp đặc biệt. Vì trường hợp đặc biệt không phải là chỉ định thầu”, ông Tăng nhấn mạnh.

Chuyên đề