Lời khuyên cho đấu thầu dự án do WB/ADB tài trợ

(BĐT) - Không ít nhà thầu đã phải ngậm ngùi hối tiếc khi bị loại khỏi các cuộc thầu do Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
WB, ADB tài trợ cho nhiều dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
WB, ADB tài trợ cho nhiều dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Ngoài những hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật, hợp đồng tương tự..., lý do bị loại nhiều khi lại rất ngớ ngẩn do sơ suất, chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ dự thầu hoặc vi phạm nguyên tắc liêm chính của nhà tài trợ.

Sai sót khi lập hồ sơ dự thầu

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lưu Hồng Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP cho biết, mặc dù từng trúng nhiều gói thầu/dự án do WB/ADB tài trợ, nhưng doanh nghiệp này cũng không tránh khỏi thất bại ở một số cuộc thầu. Một trong những nguyên nhân là do các tiêu chí kỹ thuật đưa ra trong hồ sơ mời thầu khá chung chung, không rõ ràng, có khi khá mơ hồ khiến nhà thầu gặp khó khăn trong khi lập hồ sơ dự thầu.

Còn theo ông Dương Việt Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội - Haweicco thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, hạn chế lớn nhất của các nhà thầu Việt khi tham gia các gói thầu/dự án do WB/ADB tài trợ là năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và hợp đồng tương tự, tiếp đó là hạn chế trong khâu lập hồ sơ dự thầu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia của WB và ADB, đây chỉ là một trong những lý do trượt thầu mà nhà thầu Việt thường gặp phải. Chia sẻ với những nhà thầu từng bị loại, ông Alexander Fox, chuyên gia cao cấp của ADB đã đưa ra một số lời khuyên về những điểm cần lưu ý để lập một hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Theo ông Alexander Fox, bất cứ gói thầu nào cũng có tiêu chí đánh giá và yêu cầu về năng lực để xem nhà thầu có đạt hay không. Do đó, nhà thầu cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu về năng lực và tiêu chí đánh giá như: doanh thu hàng năm, doanh thu từ những hợp đồng tương tự trong thời gian gần đây, nguồn lực tài chính... Về kinh nghiệm tương tự hợp đồng đang được đấu thầu, trước tiên, nhà thầu phải hiểu được thế nào là tương tự, ngoài việc mô tả hợp đồng, hồ sơ dự thầu có thể đưa ra những thông tin tham chiếu, giải thích rõ ràng hơn cho nhà tài trợ.

Các chuyên gia của WB và ADB còn khuyến cáo, phương pháp giảm giá không nên chào quá phức tạp, rắc rối khiến bên mời thầu không biết đường nào mà lần, không biết chọn phương án nào. Nhà thầu không nên chào thầu kèm theo điều kiện, nhất là khi những điều kiện đó ảnh hưởng tới cuộc thầu như thanh toán, thay thế nhà thầu, phương pháp giao hàng... Tốt nhất là nên tránh có mâu thuẫn lợi ích khi tham dự một gói thầu mà vừa là thành viên liên danh này, vừa là thành viên của một liên danh khác...

Theo ông Alexander Fox, cơ chế đấu thầu của WB cũng như ADB đều có những quy định rất mở mà nhiều nhà thầu không nắm được để tận dụng. Chẳng hạn như trong trường hợp phát hiện bất kỳ quy định nào của hồ sơ mời thầu không rõ ràng hoặc không thể chấp nhận được thì nhà thầu có thể làm văn bản yêu cầu chủ đầu tư/bên mời thầu làm rõ trước ngày hết hạn làm rõ được quy định. Nhà thầu cũng có thể yêu cầu gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu thêm vài tháng, nếu việc đánh giá hồ sơ dự thầu tốn nhiều thời gian hơn thời gian dự tính ban đầu. 

Tránh bị loại từ “vòng gửi xe”

Ông Alexander Fox chia sẻ, không ít trường hợp nhà thầu bị loại khi chưa được vào vòng đánh giá về hồ sơ dự thầu chỉ vì sơ suất, chủ quan không kiểm tra lại, lơ đễnh hoặc không quan tâm đúng mức.

Để tránh bị loại ngay từ “vòng gửi xe”, ông Alexander Fox khuyến nghị các nhà thầu cần nộp bảo đảm dự thầu theo đúng mẫu cung cấp trong hồ sơ mời thầu, trong đó ghi rõ giá trị, thời hạn hiệu lực. Về thời gian nộp hồ sơ dự thầu, mặc dù nhà tài trợ đã thông báo cụ thể nhưng vẫn có tình trạng nhà thầu nộp muộn và lẽ đương nhiên, ban xét thầu sẽ loại ngay hồ sơ dự thầu đó. Nhà thầu nên tránh việc đính kèm thư giảm giá riêng biệt thay vì cho vào túi tài chính (trong trường hợp áp dụng 2 túi hồ sơ tài chính và kỹ thuật) để phòng khi thư giảm giá bị rơi, thất lạc.

Và khâu cuối cùng không thể xem nhẹ là việc kiểm tra lại tài liệu, thông tin trong hồ sơ dự thầu trước khi nộp và thông tin được công bố tại lễ mở thầu. Sở dĩ khâu này cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp nhà thầu không bỏ sót các tài liệu hỗ trợ kèm theo hồ sơ dự thầu, tránh trường hợp nộp hồ sơ dự thầu không hoàn chỉnh, không ký hồ sơ dự thầu, chữ ký và giấy ủy quyền, thỏa thuận liên danh, thông tin ghi trên túi đựng hồ sơ dự thầu... Nhiều trường hợp, nhà thầu sẽ cần đến những thông tin được công bố tại lễ mở thầu làm chứng cứ để giải quyết những khiếu nại sau này.

Chuyên đề