Lo đứt nguồn cung, nhà thầu vừa đấu vừa cầu

(BĐT) - Trúng thầu tại những gói thầu cung cấp thiết bị theo hình thức mua sắm tập trung, số lượng lớn là kết quả đáng mừng sau quá trình nỗ lực, cạnh tranh khốc liệt của các nhà thầu. 
Nhiều mặt hàng trong mua sắm tập trung như: máy tính, máy photocopy… bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nhà sản xuất do nhà thầu chào hàng nhập khẩu. Ảnh: Hoài Tâm
Nhiều mặt hàng trong mua sắm tập trung như: máy tính, máy photocopy… bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nhà sản xuất do nhà thầu chào hàng nhập khẩu. Ảnh: Hoài Tâm

Tuy nhiên, điều không thể lường trước là nhà sản xuất thông báo đứt hàng, tạm ngưng sản xuất mẫu hàng mà nhà thầu đã chào khiến không ít nhà thầu lao đao, toát mồ hôi. Trong khi đó, bên mời thầu cũng đứng ngồi không yên để xử lý tình huống.

Ngã ngửa vì thông báo đứt hàng từ… nhà máy

Thông tin với Báo Đấu thầu ngày 29/1/2018, đại diện một bên mời thầu được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung tại phía Nam cho biết: “Đơn vị mình đang căng như dây đàn, cùng nhà thầu xử lý tình huống phát sinh sau khi lựa chọn được nhà thầu”.

Theo thông tin bên mời thầu này chia sẻ, sau khi thông báo mời thầu rộng rãi, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), đơn vị này đã lựa chọn được nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) đề ra. Việc ký thỏa thuận khung về cung cấp hơn 1.000 máy lạnh giữa Bên mời thầu và nhà thầu cũng đã được tiến hành. Tuy nhiên, khi thời gian nhà thầu sắp phải giao hàng hóa cho đơn vị thụ hưởng sử dụng đã đến thì Bên mời thầu ngã ngửa nhận được văn bản của nhà thầu trúng thầu xin phép được thay thế thiết bị tương đương. “Nhà thầu cung cấp thông báo của nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền loại thiết bị đã chào và trúng thầu cho biết, hiện tại chỉ có thể cung cấp được… 1/10 số lượng thiết bị theo yêu cầu của gói thầu. 9/10 số lượng thiết bị còn lại không thể cung cấp do mã hàng đã bị nhà máy tại Thái Lan ngưng sản xuất, bỏ mẫu và thay bằng mã hàng mới”. Điều tréo ngoe mà cả nhà thầu lẫn bên mời thầu như đang ngồi trên đống lửa là, mẫu hàng thay thế dự kiến này phải đến tháng 3/2018 mới về đến Việt Nam. Chiểu theo hợp đồng khung đã ký kết giữa hai bên, nhà thầu sẽ không thể cung cấp đủ thiết bị đáp ứng đúng tiến độ với bên mời thầu.

“Chúng tôi đã phải xin ý kiến lãnh đạo UBND Thành phố, xin ý kiến Sở chủ quản, Sở Tài chính để tìm phương án xử lý. Và hiện tại cũng đang khá bối rối trước tình huống phát sinh này”, đại diện bên mời thầu than thở.

Trong khi đó, từ phía nhà thầu, thời gian qua thực sự là một cuộc chạy đua để xin xác nhận từ các bên liên quan. “Đầu tiên, chúng tôi phải yêu cầu nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền có văn bản xác nhận việc gián đoạn cung ứng thiết bị. Tiếp theo, nhà thầu phải liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất để tìm hiểu rõ nguyên nhân, hướng xử lý. Chưa hết, vì đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị, nhà thầu phải tự tìm giải pháp thay thế. Chính vì điều này, chúng tôi phải đề xuất thiết bị thay thế. Quan trọng nhất là phải chứng minh thiết bị thay thế hoàn toàn tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn mà HSMT đặt ra. Điều này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, công sức từ nhiều phía như nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà sản xuất, và các tổ chức kiểm định chất lượng…”, đại diện nhà thầu cho biết 

Vừa đấu vừa… run

Phát sinh đứt nguồn cung thiết bị từ chính nhà máy đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều bên mời thầu được giao tổ chức mua sắm tập trung và các nhà thầu. Và dù đa số trong các trường hợp này là phát sinh bất khả kháng, nhưng với các bên mời thầu, quá trình thương thảo hợp đồng, xin ý kiến người có thẩm quyền, cơ quan chủ quản để đi đến quyết định cuối cùng là rất gian nan và chứa đựng nhiều rủi ro. Đó là chưa kể đến tình huống, từ phát sinh bất khả kháng, dẫn đến bất hòa trong quá trình thương thảo hợp đồng giữa bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre Trần Văn Thanh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm đắt giá của mình khi đối diện với phát sinh tương tự với nhà thầu tại một gói thầu mua sắm máy scan cho các xã trên địa bàn tỉnh này với Báo Đấu thầu. “Nhà thầu trúng thầu có trình bày về việc nguồn cung ứng thiết bị của gói thầu bị gián đoạn và chưa thể cam kết tiến độ cụ thể để giao hàng. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, cả bên mời thầu lẫn nhà thầu không thể tìm được tiếng nói chung. Do đó, chúng tôi đã khá vội vàng tìm đến nhà thầu xếp hạng thứ hai để thực hiện gói thầu dẫn đến một số hệ lụy về sau cho chính bên mời thầu và cả hai nhà thầu”, ông Thanh thông tin.

Hiện nay, rất nhiều mặt hàng được tổ chức mua sắm tập trung theo danh mục như: máy tính, máy photocopy, máy scan, máy ảnh, máy điều hòa không khí... Và đại đa số các thiết bị này lại đang được các nhà thầu chào với xuất xứ là hàng nhập khẩu, phụ thuộc vào nguồn cung của nhà nhập khẩu, nhà phân phối. Với những đơn hàng mua sắm tập trung (thường là số lượng lớn), không ít nhà thầu cho biết đang vừa dự thầu vừa… run do không biết nhà máy sản xuất tại nước ngoài có chính sách điều chỉnh mã hàng hóa, thay đổi model trong quá trình tổ chức đấu thầu hay không. “Đơn hàng lớn tại các gói thầu mua sắm tập trung có sức hấp dẫn rất cao với mọi nhà thầu. Tuy nhiên, chính vì phụ thuộc vào số lượng thiết bị được nhập khẩu từ  nhà máy đặt ngoài Việt Nam nên rất nhiều nhà thầu vừa đấu vừa… cầu cho mọi việc được thuận lợi”, một nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị giáo dục tại TP.HCM chia sẻ.

Chuyên đề