Liên danh Tây Ninh - Đồng Phú được chỉ định thầu gói hơn 108 tỷ đồng

(BĐT) - Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (BQLDA) vừa chỉ định thầu gói thầu xây lắp của Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước trị giá hơn 108,38 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đó là Gói thầu số 3: Xây dựng đoạn tuyến từ Km 116 + 979,40 - Km 121 + 0,27,50 thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài (Km 113 + 779,42 – Km 122 + 230,26), tỉnh Bình Phước. Nhà thầu được chỉ định thầu là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Tây Ninh và Công ty TNHH Cầu đường Đồng Phú (Liên danh Tây Ninh - Đồng Phú). Giá trúng thầu là hơn 108,36 tỷ đồng, chỉ chênh khoảng 20 triệu đồng so với giá gói thầu (hơn 108,38 tỷ đồng). Hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh với thời gian 213 ngày.

Đây là một gói thầu có giá trị lớn nhưng lại thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Lý giải điều này, một cán bộ phụ trách Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết: “Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng QL 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước chỉ có 1 gói thầu - Gói thầu số 3. Gói thầu số 3 tiếp tục được thực hiện cơ chế chỉ định thầu theo Văn bản số 979/TTg-KTN ngày 5/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên QL 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (Văn bản 77/VPCP-KTN ngày 6/1/2016 thông báo ý kiến của Thủ tướng về cơ chế thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên). Hợp đồng của Gói thầu số 03 đã được ký kết ngày 8/6/2016”.

Theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội, tổng mức vốn đã được bố trí đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 64.294 tỷ đồng, trong đó: các dự án mở rộng Quốc lộ 1 là 53.314 tỷ đồng; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là 10.980 tỷ đồng. Sau khi thực hiện, tổng số vốn trái phiếu chính phủ sử dụng cho các dự án này còn dư là 14.259 tỷ đồng.

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc sử dụng vốn có dư, tuy nhiên, tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 41 Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu cũng đặc biệt lưu ý Chính phủ phải rút kinh nghiệm bởi tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định chưa sát với thực tiễn.

Mới đây, đầu tháng 6, Bộ Tài chính vừa “khui” ra hàng loạt sai phạm liên quan đến các dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng QL 1 sử dụng vốn TPCP tại 8 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Số tiền lập, phê duyệt tổng mức đầu tư của 8 dự án chưa chính xác, làm đội vốn lên tới 1.867 tỷ đồng.

Chuyên đề