Kiên quyết với nhà thầu gian lận

(BĐT) - Khi dấu hiệu gian lận trong đấu thầu của các nhà thầu bị chủ đầu tư/bên mời thầu “nhắm mắt” cho qua, các nhà thầu gian dối vẫn còn “đất sống” và kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác đấu thầu. 
Dù bị đe dọa, Tổng cục Thống kê đã kiên quyết xử lý một nhà thầu có dấu hiệu gian lận hồ sơ, tài liệu trong nhiều gói thầu. Ảnh: Tường Lâm
Dù bị đe dọa, Tổng cục Thống kê đã kiên quyết xử lý một nhà thầu có dấu hiệu gian lận hồ sơ, tài liệu trong nhiều gói thầu. Ảnh: Tường Lâm

Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có những chủ đầu tư/bên mời thầu cương quyết với các hành vi gian lận trong đấu thầu.

Dấu hiệu bao che, nương nhẹ

Các nhà thầu khi trao đổi với Báo Đấu thầu đều khẳng định, dấu hiệu gian lận trong việc cung cấp HSMT đang được nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu “nhắm mắt” cho qua. Nếu bị tố cáo thì cũng không xử lý kiên quyết, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Do đó, “đất sống” của những nhà thầu gian dối, làm ăn bát nháo vẫn còn.

Cách đây gần một tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh An Giang cam kết với phóng viên Báo Đấu thầu sẽ trả lời câu hỏi của các nhà thầu liên quan đến thành viên liên danh trúng thầu – Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Khởi tại Gói thầu số 21: Mua sắm thiết bị phòng bộ môn Lý Hóa Sinh (khối THCS) thuộc Dự án Đầu tư mua sắm và bổ sung thiết bị dạy học cho trường đạt chuẩn quốc gia năm 2013. Theo đó, thành viên của liên danh trúng thầu – Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Khởi bị các nhà thầu phản ánh có lịch sử cung cấp tài liệu giả ngay tại gói thầu khác do Sở GD&ĐT tỉnh An Giang mời thầu cách đó không lâu. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Lý Thanh Tú đã khẳng định: “Sẽ kiểm tra lại từ bộ phận chuyên môn và thông tin đầy đủ với Báo Đấu thầu”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Báo Đấu thầu chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ bên mời thầu này. Đây là gói thầu bị các nhà thầu phản ánh về kết quả lựa chọn nhà thầu có những biểu hiện không lý giải nổi, và Báo Đấu thầu đã đề cập.

Trong khi đó, ngày 23/3/2017, cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu, các nhà thầu trong lĩnh vực thiết bị giáo dục trường học cho biết, năm 2013, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Khởi khi dự thầu 2 gói thầu do chính Sở GD&ĐT An Giang mời thầu đều sử dụng tài liệu giả mạo. Đó là Phụ lục 01 kèm theo Hợp đồng mua sắm thiết bị giáo dục ký ngày 4/9/2013 giữa nhà thầu này với Sở GD&ĐT Cà Mau. Tại thời điểm đó, bên mời thầu cho rằng, Tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu phát hiện có dấu hiệu không thống nhất giữa hợp đồng, phụ lục và các tài liệu đi kèm của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Khởi.

Câu chuyện sẽ không thu hút sự chú ý và đặt nhiều câu hỏi đối với các nhà thầu đến vậy nếu Sở GD&ĐT An Giang không chấm cho Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Khởi trúng thầu. Và cách công bố kết quả cũng khiến cho các nhà thầu không phục, gây nên những quan ngại như cách tổ chức đấu thầu năm 2013. “Nếu như từ năm 2013, Sở GD&ĐT An Giang thực hiện đúng thẩm quyền của mình khi làm bên mời thầu, với những dấu hiệu trong cung cấp hồ sơ, tài liệu của Ngọc Khởi, hoàn toàn có thể ra một quyết định mạnh tay để chấn chỉnh”, một nhà thầu tại TP.HCM bình luận.

Một câu chuyện khác dẫn đến khiếu kiện triền miên giữa Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Huỳnh Văn Nô (Tiền Giang) với một nhà thầu ở TP.HCM xung quanh việc bán thầu trái phép các gói thầu sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới ở Tiền Giang. Tất cả hệ quả của câu chuyện này được ông Nguyễn Kim Tấn, đại diện Nhà thầu Huỳnh Văn Nô khẳng định: “Nếu như bên mời thầu ở Trà Vinh thực hiện đúng đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cấm một nhà thầu tại TP.HCM tham gia đấu thầu vì có hành vi gian lận hồ sơ thì chắc chắn nhà thầu này không thể ngang nhiên đi đấu thầu khắp nơi và rồi lại bán thầu trái phép như trong vụ kiện này”. 

Khó đến mấy cũng phải kiên quyết

“Trong quá trình đánh giá, nếu thực sự bên mời thầu cố gắng để tìm được nhà thầu có năng lực nhất, giá cạnh tranh nhất thì rất khó để những nhà thầu gian dối có đất sống...”, đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) chia sẻ.
Thực tế công tác đấu thầu thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp, kể cả các gói thầu khi bị Báo Đấu thầu phản ánh, nhà thầu tố cáo, cơ quan chức năng vào cuộc thì cách xử lý của những cơ quan liên quan vẫn rất qua loa, thiếu trách nhiệm, nặng tính đối phó. Tại nhiều gói thầu, dù bằng chứng về hành vi gian lận, cố ý thông thầu đã rõ, nhưng giải trình của bên mời thầu vẫn nặng tính bao che, thậm chí phớt lờ mọi dư luận. “Nếu đã là nhà thầu “ruột”, dù có bị khui ra rất nhiều dấu hiệu gian lận thì vẫn được bảo vệ bằng lợi ích nhóm”, một nhà thầu ở Đồng Nai quan ngại.

Năm 2016, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phải mất nhiều công sức để tìm biện pháp xử lý một nhà thầu có dấu hiệu gian lận hồ sơ, tài liệu trong nhiều gói thầu do đơn vị này mời thầu. “Đây là một việc làm rất khó, nhưng nếu kiên quyết, sẽ làm được và mang lại hiệu quả. Chúng tôi thậm chí còn bị hăm dọa ngược từ nhà thầu. Nhưng với tất cả những nỗ lực xác minh, đối chiếu thông tin với sự khách quan nhất, bên mời thầu đã đi đến quyết định cấm nhà thầu tham gia đấu thầu với thời hạn 5 năm – mức cao nhất đối với một nhà thầu”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.

Học hỏi từ Tổng cục Thống kê tinh thần kiên quyết “nói không” với hành vi gian lận, trong đó có hành vi cố ý cung cấp hồ sơ, tài liệu không trung thực, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cũng cho biết, đơn vị này nhận diện được nhà thầu có “dớp” từ rất sớm để có phương án xử lý. “Trong quá trình đánh giá, nếu thực sự bên mời thầu cố gắng để tìm được nhà thầu có năng lực nhất, giá cạnh tranh nhất thì rất khó để những nhà thầu gian dối có đất sống. Chúng tôi đã phải huy động rất nhiều kênh thông tin để kiểm chứng, đối chiếu. Và kể cả trong trường hợp nhà thầu có những dấu hiệu đe dọa ngược lại, chúng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ sự đúng đắn trong đấu thầu”, đại diện Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ.

Chuyên đề