Kiến nghị hay “khóc thuê”?

(BĐT) - Kiến nghị khi lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng là một trong những quyền được hiến định, luật định và được pháp luật bảo vệ, trong đó có pháp luật về đấu thầu. 
Kiến nghị hay “khóc thuê”?

Song trên thực tế, có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng lợi dụng kiến nghị để đề xuất những ý kiến phi lý, dù cơ quan tiếp nhận kiến nghị đã trả lời, giải thích thấu đáo nhưng bên kiến nghị vẫn tiếp tục đề xuất những ý kiến đó. Có không ít câu hỏi đặt ra cho hiện tượng này.

Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được quy định tại Điều 91 và Điều 92 Luật Đấu thầu. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 của Luật thì khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị.

Quy định là vậy, nhưng thực tế tiếp nhận, xác minh kiến nghị qua đường dây nóng của Báo Đấu thầu trong thời gian qua cho thấy có những nhà thầu mà tên tuổi chẳng gắn với công trình nào nhưng thường xuyên gắn với những lá đơn kiến nghị. Dường như nghề chính của doanh nghiệp kiểu này là “đi kiến nghị”. Một câu hỏi được đặt ra là họ kiến nghị cho mình hay “khóc thuê” cho ai?

Đặc trưng của các nhà thầu, doanh nghiệp “khóc thuê” là năng lực rất hạn chế hoặc không thực sự muốn tham gia cuộc thầu và cạnh tranh lành mạnh để thắng thầu, chỉ tham gia để “nhũng nhiễu”, kiến nghị để được một vài quyền lợi nào đó.

Một đặc trưng khác là trong những lá đơn kiến nghị kiểu “khóc thuê”, nhà thầu một mực khẳng định “bị đơn” làm sai, không tuân thủ pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà thầu, trong khi đơn kiến nghị không hề đưa ra một căn cứ nào chứng minh cho việc làm sai đó. Thậm chí, có những lá đơn đưa ra những dẫn chứng cho thấy bên bị kiến nghị đã làm đúng quy định nhưng bên kiến nghị vẫn khăng khăng như thế là sai luật! Và phổ biến trong những trường hợp này là dù bên bị kiến nghị giải trình kiểu gì thì bên kiến nghị vẫn khăng khăng không chấp nhận câu trả lời kiến nghị.

Có trường hợp, việc kiến nghị thực chất là do một nhà thầu, doanh nghiệp khác đứng đằng sau vụ việc không muốn xuất đầu lộ diện nên thuê nhà thầu, doanh nghiệp chuyên “khóc thuê” đứng đơn để phản ánh. Cũng có trường hợp doanh nghiệp, nhà thầu “khóc thuê” dù không nắm được vấn đề mình kiến nghị là gì, đúng hay sai, mà đơn giản là cứ được thuê, có thù lao là sẵn sàng “khóc hộ” khiến không ít bên bị kiến nghị bị liên lụy, mất nhiều thời gian để giải quyết các vụ việc.

Bình luận về hiện tượng nêu trên, một chuyên gia cho rằng: “Xây dựng Nhà nước kiến tạo vì sự phát triển của doanh nghiệp và phục vụ người dân là một chủ trương đúng đắn. Từ những phản ánh, kiến nghị có cơ sở về việc gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, việc cán bộ, cơ quan bị kiến nghị phải kiểm điểm, giải trình, sửa sai là cần thiết. Ở mức độ cao hơn, tổ chức, cá nhân sai phạm phải ra Tòa và chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả vì việc làm sai của mình. Tuy vậy, việc lợi dụng chủ trương này của Chính phủ vì vụ lợi, gây phiền hà và mất thời gian, công sức của tổ chức, cơ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân khác… là hành động đáng bị lên án và cần phải xử lý nghiêm theo quy định”.

Chuyên đề