Không sơ tuyển nhà đầu tư vì sợ kiện?

(BĐT) - Trong số báo trước, Báo Đấu thầu đã phản ánh kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại Dự án đầu tư có sử dụng đất: Xây dựng cụm công nghiệp tại thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Đấu thầu nhận thấy một số điểm bất thường trong việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Bên mời thầu nói gì?

Liên danh 2 nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín - Công ty CP Giao thông Hồng Hà trúng thầu với tổng chi phí thực hiện dự án gần 182 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín là thành viên đứng đầu Liên danh. Hai nhà đầu tư này đều là nhà đầu tư của địa phương (Thường Tín, Hà Nội).

Khi phóng viên đề cập đến việc thực hiện quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ 30) trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất này, ông Nguyễn Anh Tuấn – một cán bộ của Phòng Đầu tư thuộc Bên mời thầu, cho biết, đơn vị này đã không tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư dự án trên vì sợ... bị kiện.

Ông Tuấn cung cấp thêm thông tin, trước đây, Dự án làm theo Thông tư 03/2009/TT-BKH hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất và Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của UBND TP. Hà Nội về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án trên địa bàn Thành phố  (QĐ 09). Theo đó, thông tin dự án được đăng tải trong 30 ngày. Nếu chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký thì Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm các thủ tục tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn nhà đầu tư thì NĐ 30 được ban hành nên UBND Thành phố đã có văn bản giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội làm bên mời thầu, lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, Trung tâm lập, trình UBND Thành phố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và đã được UBND Thành phố phê duyệt cách đây 5 - 6 tháng (trong năm 2016). Sau đó, Trung tâm lập hồ sơ yêu cầu phát cho nhà đầu tư đã được chỉ định và đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo Quyết định số 5995/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND TP. Hà Nội. Như vậy, Trung tâm đã đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

“Chúng tôi không đăng thông báo mời sơ tuyển, danh sách ngắn, mà coi như đã thực hiện từ trước rồi, không hề làm sơ tuyển vì lúc đấy Dự án nằm trong giai đoạn NĐ 30 chưa có hiệu lực và Thành phố có văn bản chỉ đạo giao cho Trung tâm làm bên mời thầu, lập hồ sơ yêu cầu, và đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư. Suy cho cùng, tại thời điểm đó, Dự án đã giao cho nhà đầu tư rồi” - ông Tuấn lý giải.

Theo ông Tuấn, Bên mời thầu tránh tình trạng sơ tuyển lại từ đầu nếu không nhà đầu tư ban đầu sẽ kiện, bởi trước đây khi làm theo QĐ 09, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ và không có nhà đầu tư nào tham gia nên được chỉ định thầu thực hiện Dự án. Bây giờ, nếu có thì chỉ xét lại năng lực của nhà đầu tư đã chỉ định, chứ xóa kết quả trước đi để làm lại từ đầu thì nhà đầu tư sẽ không đồng ý.

Bà Nguyễn Trương Quyên, Phó Trưởng phòng Thông tin truyền thông của Trung tâm khẳng định với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, Bên mời thầu không sơ tuyển nên không đăng tải thông báo mời sơ tuyển. Thông tin Dự án đã thực hiện đăng tải trước khi NĐ 30 có hiệu lực, khoảng cuối năm 2014, đầu 2015. Tất cả đều trình Lãnh đạo Thành phố và có quyết định phê duyệt (bao gồm danh mục dự án và kết quả đăng ký tham gia thực hiện Dự án). Do đó, không thể nói đúng sai ở đây, bởi vì đây là thời điểm giao thoa giữa quy định mới và cũ, QĐ 09 của Thành phố vẫn chưa hết hiệu lực. 

“Nên đấu thầu lại để đảm bảo cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư”

Một chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu cho rằng, các lý giải trên của Bên mời thầu chỉ là viện cớ, còn về mặt giải trình theo cơ sở pháp lý là rất yếu. Thời điểm phê duyệt danh mục Dự án là tháng 2/2015, còn Luật Đấu thầu có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014. Tại thời điểm đó, mặc dù chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết nhưng Điều 8 của Luật Đấu thầu quy định bắt buộc các thông tin về đấu thầu phải đăng tải công khai rộng rãi như: kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, thông báo mời sơ tuyển, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất... Thời điểm đó, Dự án không áp dụng các quy định của NĐ 30 nhưng bắt buộc phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, chuyên gia này khẳng định.

Về lo ngại của Bên mời thầu có thể sẽ bị nhà đầu tư kiện, chuyên gia này khẳng định: “Nếu không tổ chức đấu thầu lại theo hướng cạnh tranh thì còn bị kiện nhiều hơn do Dự án hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư quan tâm”.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, ngoài Dự án Xây dựng cụm công nghiệp tại thôn Nguyên Hanh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội đang có 2 dự án nằm trong tình trạng tương tự.

Chuyên đề