Khi hồ sơ mời thầu bị “làm xiếc”

(BĐT) - Phản ánh của nhiều nhà thầu đến Báo Đấu thầu thời gian qua cho thấy, không ít hồ sơ mời thầu (HSMT) bị các chủ đầu tư, bên mời thầu biến những điều kiện không bắt buộc thành điều kiện tiên quyết để loại nhà thầu; cài cắm “điều kiện riêng” nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực. Thực trạng này đang khiến dư luận quan ngại về đạo đức của những cán bộ trực tiếp tham gia lập, thẩm định và phê duyệt HSMT.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các kiểu “trò xiếc” của hồ sơ mời thầu

Điển hình cho câu chuyện HSMT bị chủ đầu tư/bên mời thầu đưa thêm điều kiện tiên quyết để loại nhà thầu là trường hợp của HSMT Gói thầu số 9: Giám sát thi công và Lắp đặt thiết bị công trình Trường Mầm non Sơn Ca giai đoạn 2. HSMT gói thầu này đưa ra điều kiện bắt buộc đối với nhà thầu là phải có Báo cáo tài chính năm 2015 đã được kiểm toán. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đây là điều kiện không bắt buộc (có tính khuyến khích), trừ trường hợp nhà thầu trong diện phải kiểm toán. Thế nhưng, chủ đầu tư là UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) và Ban QLDA quận Thanh Xuân  (Hà Nội) – đại diện chủ đầu tư đã đưa điều kiện này thành yêu cầu bắt buộc mà nếu không đáp ứng được thì nhà thầu bị loại.

Theo ông Hoàng Văn Tròn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Quảng Bình – nhà thầu mua HSMT Gói thầu số 9, việc đưa thêm một yêu cầu không nhất thiết là Báo cáo tài chính năm 2015 đã kiểm toán thành điều kiện tiên quyết để loại nhà thầu, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, gây sự cạnh tranh không bình đẳng, dẫn đến không bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu.

Dẫn chứng một trường hợp khác, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, sự việc Ban QLDA Đầu tư các công trình y tế tỉnh Quảng Ninh loại một nhà thầu “tên tuổi” tại một gói thầu có giá khoảng trăm tỷ đồng do ban này làm bên mời thầu vừa qua cũng là ví dụ cho câu chuyện HSMT đưa những điều kiện không quan trọng thành quan trọng. Cụ thể, trong HSMT gói thầu này, một số yêu cầu về thiết bị, máy móc được bên mời thầu cho là quan trọng, trong khi trên thực tế, các loại thiết bị, máy móc này rất phổ thông, giá trị thấp và mua bất kỳ lúc nào cũng được.

Đại diện Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Sài Gòn cho biết, tình trạng bên mời thầu lồng ghép và “băm nhỏ” các tiêu chí, điều kiện riêng để loại nhà thầu đang trở nên rất phổ biến. Điển hình như trường hợp của một bên mời thầu ở Cần Thơ với việc yêu cầu về công trình tương tự trong HSMT là: “Nhà thầu phải có 3 công trình tương tự về địa hình, địa bàn, địa chất thủy văn”. Theo nhà thầu, với yêu cầu này, thì dù có năng lực đến mấy mà không hoạt động tại Cần Thơ và có công trình tương tự tại địa phương này thì nhà thầu cũng bị loại ngay từ vòng đầu. Với việc đưa ra tiêu chí “hiểm”, bên mời thầu đã biến HSMT thành một vũ khí lợi hại để loại tất cả những nhà thầu “lạ” ra khỏi sân chơi mà vốn dĩ, khi đấu thầu rộng rãi sân chơi này không phải là “vùng cấm” cho bất kỳ nhà thầu nào.

Dấu hỏi về đạo đức người làm công tác đấu thầu

HSMT phải là “đề thi” khách quan, lượng hóa các tiêu chí một cách hợp lý. Nó không được quá đơn giản, buông lỏng để nhà thầu “tự tung tự tác”, nhưng cũng không được “quá khó” để đánh đố, thách thức nhà thầu.
Pháp luật về đấu thầu quy định: “HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng” (Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP). Dù vậy, nhiều bên mời thầu vẫn tìm đủ mọi cách để bao che, biện minh cho việc làm có chủ ý của mình khi đưa thêm điều kiện riêng, tiêu chí cao hơn mức thông thường vào HSMT.

Giải thích với nhà thầu về việc đưa thêm tiêu chí, điều kiện tiên quyết vào HSMT Gói thầu số 9 nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Đại, Phó Giám đốc Ban QLDA quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, sở dĩ yêu cầu nhà thầu nộp Báo cáo tài chính năm 2015 đã kiểm toán là vì đây sẽ là một trong những yêu cầu giúp bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu có năng lực tài chính vững mạnh, trong sạch, minh bạch.

Ở một câu chuyện khác, khi bị nhà thầu “tố” là đã đưa ra yêu cầu cao trong HSMT, đại diện bên mời thầu là Ban QLDA Lưới điện miền Bắc trả lời phóng viên Báo Đấu thầu rằng, việc “đưa ra quy định ở ngưỡng cao nhất về giá trị hợp đồng các công trình tương tự nêu trong HSMT là nhằm mục đích chọn được nhà thầu thực sự có năng lực tốt. Đây cũng là cách để bên mời thầu tìm nhà thầu có kinh nghiệm trong triển khai các gói thầu ngành điện vì địa hình, địa bàn thi công gói thầu khó khăn, phức tạp”.

Thực tiễn đấu thầu mà Báo Đấu thầu phản ánh thời gian qua cho thấy, ở một số gói thầu, phẩm chất cán bộ làm công tác đấu thầu đang khiến những người trong cuộc và dư luận không khỏi quan ngại. Bên mời thầu khi xây dựng HSMT có ý đồ riêng nên đã đưa ra các tiêu chí, quy định lắt léo nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; còn chủ đầu tư khi phê duyệt HSMT thì vì một lý do nào đó cũng chưa làm hết trách nhiệm, dễ dãi trong phê duyệt HSMT.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, để công tác đấu thầu đạt hiệu quả, HSMT phải là “đề thi” khách quan, lượng hóa các tiêu chí một cách hợp lý. Nó không được quá đơn giản, buông lỏng để nhà thầu “tự tung tự tác”, nhưng cũng không được “quá khó” để đánh đố, thách thức nhà thầu. Và đặc biệt, theo ông Hùng, giảm thiểu những tiêu cực trong đấu thầu phải bắt đầu tư việc nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của những người làm công tác này. “Chừng nào các chủ đầu tư, bên mời thầu chưa ý thức sâu sắc vấn đề này thì pháp luật về đấu thầu dù có hoàn thiện đầy đủ, hiệu quả của hoạt động đấu thầu sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy” – ông Hùng nhấn mạnh.

Chuyên đề