Khi địa phương buông lỏng quản lý đấu thầu

(BĐT) - Có một thực tế đáng buồn hiện nay là không ít cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đang buông lỏng công tác quản lý đấu thầu. Chính vì thế, tình trạng nhà thầu khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan trung ương ngày càng phổ biến. 
Khi địa phương buông lỏng quản lý đấu thầu

Nhiều vụ việc nổi cộm về đấu thầu không được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương giải quyết một cách thấu đáo, không làm hết trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, cấp có thẩm quyền đối với phạm vi công việc mà mình quản lý… Và trong một số trường hợp cụ thể, chủ đầu tư, cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương còn để “chìm xuồng” sự việc, hoặc giải quyết qua loa, hình thức, gây mất niềm tin của nhà thầu.

Theo quy định tại Điều 91 và Điều 92  của Luật Đấu thầu, cấp trực tiếp giải quyết kiến nghị của nhà thầu là chủ đầu tư/bên mời thầu. Cụ thể, Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…”. “Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu...”.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, không ít các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đều “đá bóng” tránh nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu bằng cách giao cho cơ quan thuộc cấp giải quyết, cơ quan thuộc cấp này lại yêu cầu chủ đầu tư/bên mời thầu báo cáo sự việc, sau đó báo cáo lại cơ quan chủ quản/cấp trên của mình… nên chất lượng của công tác giải quyết kiến nghị rất thấp, thậm chí là “đánh bùn sang ao”.

Quy trình giải quyết kiến nghị ở địa phương nhùng nhằng, kéo dài, sự “vào cuộc” muộn màng, chậm trễ hoặc có tính hình thức của các cơ quan quản lý là thời cơ thuận lợi cho nhiều sự việc “chìm xuồng”. Và điều quan trọng là sau tất cả những sự việc nổi cộm về đấu thầu đã xảy ra, rất ít cá nhân, chủ đầu tư, bên mời thầu hay nhà thầu liên quan bị xử lý một cách thỏa đáng, đúng bản chất sự việc và “đủ” trách nhiệm đối với công việc đấu thầu được giao. 

Bình luận về tình trạng nêu trên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương buông lỏng quản lý đấu thầu như hiện nay đã nói lên một sự thật là các cơ quan này hoặc không có đủ năng lực để quản lý và xử lý công việc liên quan đến trách nhiệm của mình, hoặc có sự bao che, nể nang, né tránh va chạm trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan, thậm chí không ngoại trừ yếu tố có “lợi ích nhóm” trong các các vụ việc liên quan đến đấu thầu.

Chuyên đề