Hồ sơ mời thầu có vô tình?

(BĐT) - Theo phản ánh của nhiều nhà thầu, hiện có rất nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) hoặc cài cắm các tiêu chí “bẫy” nhà thầu, gây khó dễ cho nhà thầu tham gia hoặc trở thành công cụ lợi hại để “hạ gục” những nhà thầu “không như ý” của bên mời thầu/chủ đầu tư. Câu hỏi được đặt ra là HSMT vô tình hay đó là chủ ý của những người “sáng tạo” ra nó?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

HSMT “bẫy” nhà thầu

Gần đây, Báo Đấu thầu đã có loạt bài nêu phản ánh của các nhà thầu về việc cướp hồ sơ dự thầu (HSDT) một cách trắng trợn trước cổng Ban QLDA Thủy lợi Bình Định. Dư luận tỏ ra hết sức bức xúc trước sự táo tợn, coi thường pháp luật của những đối tượng này và cho rằng cần làm rõ ai chủ mưu, đứng ra dàn dựng, tổ chức và sử dụng lực lượng xã hội đen để cướp đi cơ hội dự thầu của nhiều nhà thầu. Bên mời thầu thì cho rằng mình “vô can” trong vụ cướp HSDT có tính tổ chức này bởi vì sự việc diễn ra ngoài giờ hành chính, ngoài khuôn viên của Trụ sở Bên mời thầu.

Tuy nhiên, điều mà các nhà thầu bị hại và những bạn đọc tâm huyết của Báo Đấu thầu hết sức bất bình trong vụ việc này chính là thời điểm đóng thầu được ghi rõ ràng trong HSMT là 7h sáng Thứ Hai, ngày 20/6/2016.

Chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện một nhà thầu bị hại trong vụ cướp HSDT nêu trên cho biết, mặc dù HSMT đã ghi rõ ràng thời điểm đóng thầu là 7h sáng Thứ Hai ngày 20/6/2016, nhưng nhà thầu vẫn rất băn khoăn về tính xác thực của thời điểm đóng thầu “đầy nhạy cảm” và hiểm hóc này, nên đã gửi văn bản tới Bên mời thầu để làm rõ, bởi vì nếu nộp HSDT trước 7h sáng thì Bên mời thầu sẽ từ chối nhận vì không phải giờ hành chính, sau thời điểm 7h thì Bên mời thầu khẳng định là HSDT sẽ bị loại vì nộp muộn. Sau khi đọc bài báo đăng tải nội dung này trên Báo Đấu thầu, có độc giả lại cho rằng, theo lập luận của Bên mời thầu thì đúng 7h sáng Thứ Hai, ngày 20/6/2016 cũng không phải là giờ hành chính nên nhà thầu dù không bị cướp cũng không nộp được HSDT.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch hóa việc ban hành HSMT, cần công khai dự thảo HSMT và phải hoàn thiện HSMT trước khi phát hành rộng rãi cho nhà thầu, nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư/bên mời thầu “đo ni đóng giày”, “ém” các tiêu chí riêng của nhà thầu “ruột” vào HSMT để loại bỏ những nhà thầu khác.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc “chốt” thời gian đóng thầu lúc 7h và mở thầu lúc 7h30 phút sáng Thứ Hai, ngày 20/6/2016 là hành vi có chủ ý. Đây là hành vi cố ý làm hạn chế tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các hành vi côn đồ có “đất” lộng hành. Theo ông Tăng, đối với sự việc cướp HSDT này, ngoài việc hủy cuộc thầu để đấu thầu lại theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thì cần có hình thức xử lý “mạnh tay” hơn đối với những người đã đề xuất, thẩm định, phê duyệt thời gian đóng thầu, mở thầu vào thời điểm “đánh đố” nhà thầu đầy oái oăm này. Cần đề nghị không để cho những người này tiếp tục làm công tác đấu thầu nữa. Ông Lê Văn Tăng cũng chỉ rõ, theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 73 của của Luật Đấu thầu 2013 thì "Người có thẩm quyền (người quyết định đầu tư) có trách nhiệm: Điều chỉnh nhiệm vụ và thẩm quyền của chủ đầu tư trong trường hợp không đáp ứng quy định của pháp luật về đấu thầu và các yêu cầu của dự án, gói thầu".

HSMT - công cụ “hạ gục” nhà thầu “không như ý”

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một lãnh đạo của Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy cho biết: Có rất nhiều HSMT hiện nay cài cắm các tiêu chí riêng mà chỉ có “nhà thầu ruột” của bên mời thầu/chủ đầu tư mới có thể đáp ứng được. Chỉ cần xem kỹ HSMT sẽ biết là chủ đầu tư đã ngầm chọn ai rồi. Việc đưa ra một HSMT thiên lệch, thiếu khách quan là tiền đề cho nhiều tiêu cực trong đấu thầu hiện nay. Pháp luật về đấu thầu hiện nay là rất đúng, nhưng không ít thành phần tham gia vào công tác đấu thầu có hành vi tiêu cực, nhất là những người nắm giữ quyền lực, họ luôn tìm cách để lộng quyền, trong đó có bộ phận xây dựng và phê duyệt “đề bài” – HSMT.

Vị lãnh đạo trên đề xuất, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch hóa việc ban hành HSMT, cần công khai dự thảo HSMT và phải hoàn thiện HSMT trước khi phát hành rộng rãi cho nhà thầu, nhằm tránh tình trạng chủ đầu tư/bên mời thầu “đo ni đóng giày”, “ém” các tiêu chí riêng của nhà thầu “ruột” vào HSMT để loại bỏ những nhà thầu khác.

Về câu chuyện dùng HSMT để “hạ gục” nhà thầu “không như ý”, chắc bạn đọc còn nhớ việc nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 36 (HANDICO 36) bị bên mời thầu - Ban QLDA Đầu tư các công trình y tế Quảng Ninh loại một cách không thỏa đáng. Bên mời thầu này đưa ra 3 lý do để loại HANDICO 36 nhưng cả 3 lý do này đều không làm cho nhà thầu “tâm phục khẩu phục” vì đây là những sai sót không quan trọng, là sơ suất về mặt thủ tục hành chính. Dù nhà thầu đã làm rõ những sơ suất này nhưng Bên mời thầu vẫn không chấp nhận việc làm rõ của nhà thầu và đi đến khẳng định: HSDT của HANDICO 36 không đáp ứng các yêu cầu của HSMT.

Có 2 khả năng xảy ra khi loại nhà thầu một cách cứng nhắc, máy móc trong trường hợp này. Một là, Bên mời thầu có chủ đích từ trước nhằm lựa chọn “nhà thầu ruột”. Hai là, Bên mời thầu loại nhà thầu với những lý do không quan trọng, có lý do thì chưa đủ cơ sở để kết luận, có lý do thì rất vụn vặt liên quan đến những máy móc thiết bị hết sức phổ thông, giá trị chỉ vài triệu đồng/1 chiếc và mua lúc nào cũng được… đã cho thấy họ không hề có thiện chí trong việc tìm kiếm, lựa chọn một nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm tốt nhất để thực hiện gói thầu có giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Chuyên đề