Hà Nội tiết kiệm gần 230 tỷ đồng trong mua sắm tập trung

(BĐT) - Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính Hà Nội vừa cho biết, trong năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành 3 đợt mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bao gồm đợt đấu thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020, đợt đấu thầu mua sắm tập trung (MSTT) đầu năm 2017 và đợt đấu thầu MSTT cuối năm 2017.
Tổng giá trúng thầu qua mua sắm tập trung 26 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn Hà Nội là hơn 4.470 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Tổng giá trúng thầu qua mua sắm tập trung 26 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn Hà Nội là hơn 4.470 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Cụ thể, đối với lĩnh vực dịch vụ công ích vệ sinh môi trường, Trung tâm đã lựa chọn được nhà thầu cho tất cả 26 gói thầu giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, với tổng giá trị trúng thầu là 4.470.428 triệu đồng, giảm 170.268 triệu đồng so với giá dự toán ban đầu. Đối với MSTT tài sản đầu năm 2017, thông qua đấu thầu, Trung tâm đã tiết kiệm được hơn 52 tỷ đồng, trong đó thông qua đấu thầu 5 gói thầu thiết bị văn phòng, bàn ghế học sinh đã tiết kiệm 21.201 triệu đồng (tổng giá trị trúng thầu là 433.448 triệu đồng); thông qua đấu thầu 19 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã tiết kiệm 31.423 triệu đồng (tổng giá trị trúng thầu là 2.069.039 triệu đồng).

Còn đối với đợt MSTT cuối năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu đợt 2 năm 2017 để mua thiết bị văn phòng, bàn ghế học sinh với tổng giá trị trúng thầu là 88.603 triệu đồng, giảm so với dự toán ban đầu là 4.119 triệu đồng. Trong đợt 2 và đợt 3 mua sắm trang thiết bị y tế cuối năm 2017, Trung tâm đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu đối với 10 gói thầu lĩnh vực này với tổng giá trị trúng thầu là 259.583 triệu đồng, giảm so với dự toán 2.879 triệu đồng.

Ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm cho biết, việc MSTT đã tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực của các cơ quan, đơn vị trong quá trình mua sắm, từ đó góp phần thực hiện chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi mua sắm tài sản của Hà Nội; kiểm soát được mặt bằng giá cả trong mua sắm, khắc phục được tình trạng cùng loại tài sản nhưng các cơ quan, đơn vị mua với nhiều loại giá khác nhau, đồng thời đáp ứng yêu cầu cơ bản về tính đồng bộ của tài sản mua sắm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Trung tâm vẫn gặp phải một số khó khăn như: Tiến độ triển khai MSTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan, đơn vị. Cụ thể, khâu tổng hợp nhu cầu mua sắm của các cơ quan, đơn vị còn chậm do có nhiều cơ quan, đơn vị chậm gửi đăng ký nhu cầu theo mốc thời gian quy định. Thời gian thực hiện thương thảo, ký kết hợp đồng còn kéo dài do số lượng đơn vị phải ký hợp đồng lớn, trong khi mỗi đơn vị đều cần một khoảng thời gian nhất định để làm việc, gây chậm trễ trong công tác thương thảo ký kết hợp đồng với các đơn vị tiếp theo. Tiếp đến, ở khâu bàn giao, thanh toán thì một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản do chưa đến giai đoạn bàn giao mặt bằng và lắp đặt nên nhà thầu chưa triển khai được công tác bàn giao, thanh toán hợp đồng mua sắm với đơn vị.

Bên cạnh đó, thông số kỹ thuật các tài sản MSTT cơ bản đã đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chung, nhưng một số ít đơn vị chưa đồng thuận vì cho rằng chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế. Để đảm bảo tính đồng bộ của tài sản, Trung tâm đã phối hợp cùng các Sở chuyên ngành, chuyên gia, Tổ tư vấn mua sắm lập các cấu hình chung thống nhất. Từ đó dẫn đến kết quả mua sắm dù đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng không giống 100% cấu hình đề xuất của các đơn vị.

Chuyên đề