Hà Nội đi đầu trong mua sắm tập trung

(BĐT) - Hà Nội vừa ra mắt Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính với chức năng là đơn vị mua sắm tập trung (MSTT) của Thành phố. Để triển khai thành công mô hình này, Trung tâm cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Trang thiết bị y tế nằm trong số 14 danh mục tài sản, dịch vụ được Hà Nội áp dụng mua sắm tập trung. Ảnh: Nhã Chi
Trang thiết bị y tế nằm trong số 14 danh mục tài sản, dịch vụ được Hà Nội áp dụng mua sắm tập trung. Ảnh: Nhã Chi

Hiện thực hóa mô hình MSTT

Trao đổi với Đấu thầu, ông Hoàng Tuân - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính cho biết, việc kiện toàn Trung tâm là nhằm hiện thực hóa chủ trương tại Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung và chủ trương của Thành ủy, chỉ đạo của UBND Thành phố. Mục đích là nhằm góp phần giảm biên chế trong mua sắm công, thu về một đầu mối, tiết kiệm do mua sắm theo số lượng lớn; giúp đồng bộ trang thiết bị sử dụng phổ biến tại các đơn vị, nâng cao tính minh bạch; qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cơ quan, đơn vị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

Theo Quyết định số 3425/QĐ-UBND ngày 27/6/2016 và Quyết định số 4711/QĐ-UBND ngày 29/8/2016 của UBND TP. Hà Nội, có 14 danh mục tài sản, dịch vụ MSTT, bao gồm: Xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ (xe cứu thương, xe chuyên dùng chở tiền, xe tang); máy tính để bàn (bao gồm cả lưu điện); máy tính xách tay; máy in; máy photocopy; máy scan; máy fax; máy điều hòa nhiệt độ; máy chiếu; màn chiếu; bàn ghế học sinh; trang thiết bị y tế; và dịch vụ công ích vệ sinh môi trường. Những tài sản, dịch vụ được lựa chọn vào danh mục này là những hàng hóa có tính chất phổ biến, mua với số lượng và giá trị lớn.

Ông Tuân cho biết, ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm đã bắt tay vào việc tham mưu tổng hợp nhu cầu đăng ký MSTT của các cơ quan, đơn vị và triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, từ ngày 01 - 08/12/2016, Trung tâm mở 6 gói thầu MSTT, bao gồm: Gói thầu số 01/TS: Mua sắm thiết bị văn phòng; Gói thầu 02/TS: Mua sắm máy điều hòa nhiệt độ; Gói thầu số 03/TS: Mua sắm bàn ghế học sinh; Gói thầu số 04/TB: Mua sắm trang thiết bị y tế (máy móc, thiết bị y tế); Gói thầu số 05/TS: Mua sắm trang thiết bị y tế (vật tư y tế); Gói thầu 06/TS: Mua sắm xe ô tô chuyên dùng (xe tang).

Cho đến nay, đã có hơn 60 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu (HSMT) của các gói thầu này. Riêng đối với 03 gói thầu vừa được mở thầu ngày 1/12/2016 (Gói thầu 02/TS: Mua sắm máy điều hòa nhiệt độ; Gói thầu số 03/TS: Mua sắm bàn ghế học sinh và Gói thầu số 04/TB: Mua sắm trang thiết bị y tế (máy móc, thiết bị y tế), số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu từ 4 - 6 nhà thầu/gói thầu. Điều này chứng tỏ MSTT đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà thầu. Do đó, đơn vị MSTT sẽ có nhiều lựa chọn để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực, uy tín và thương hiệu. 

Đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao

Tại Hội nghị triển khai công tác mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính khi thực hiện mua sắm tài sản công cần quan tâm đến chất lượng và giá cả. Trong quá trình xây dựng HSMT phải bổ sung yêu cầu liên quan đến bảo dưỡng, bảo trì, bảo hành. Hàng năm, Trung tâm yêu cầu các nhà cung cấp khi trúng thầu phải có chương trình hỗ trợ đào tạo đối với cán bộ cơ quan, đơn vị về vận hành máy móc, thiết bị; mở các buổi tọa đàm, hội thảo về MSTT; tham mưu xây dựng chiến lược tổng thể, rà soát các chương trình mua sắm, xây dựng danh mục, kế hoạch mua sắm tài sản nhà nước dài hạn của Thành phố giai đoạn 2017 - 2020.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, thì những thách thức để triển khai thành công mô hình MSTT trong thực tế cũng không hề nhỏ. Tại Hà Nội, khi được kiện toàn, Trung tâm cũng gặp một số khó khăn.

Theo đại diện Trung tâm, khó khăn thứ nhất là việc nhiều, người ít. Số người thực làm công tác đấu thầu tại Trung tâm chỉ có 6 - 7 người, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Thứ hai, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình MSTT nên không có ai để học hỏi kinh nghiệm thực tế, nên phải vừa học vừa làm. Thứ ba là các cơ quan, đơn vị đăng ký theo nhiều bước giá khác nhau. Chẳng hạn như máy tính, có đơn vị đăng ký mua 10 triệu đồng/chiếc, có đơn vị lại đăng ký 14 triệu đồng/chiếc... nên khâu tổng hợp nhu cầu mất rất nhiều thời gian. Thứ tư là vì thời gian gấp nên việc khảo sát nhu cầu thực tế có nhiều khó khăn.

Nhận thức được những khó khăn đó, ông Tuân cho biết, Trung tâm sẽ từng bước khắc phục. Trước mắt, Trung tâm đã xây dựng quy chế, quy trình, rà soát toàn bộ các danh mục tài sản nhà nước, thông tin công khai, minh bạch, đáp ứng sự quan tâm của công luận. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch mua sắm tài sản tập trung theo từng năm và công bố công khai, minh bạch để nhiều nhà cung cấp tham gia.

Chuyên đề