Gói thầu Thi công xây dựng cầu Nặm Cắt: Bên mời thầu có lạm quyền?

(BĐT) - Việc đưa ra yêu cầu nhà thầu phải nộp khoản tiền mặt cam kết tối thiểu 8 tỷ đồng mới được tham dự thầu rõ ràng là hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. 
Các chuyên gia cho rằng việc bên mời thầu yêu cầu nhà thầu tham gia dự thầu nộp khoản tiền mặt cam kết tối thiểu 8 tỷ đồng đã hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Ảnh: Tường Lâm
Các chuyên gia cho rằng việc bên mời thầu yêu cầu nhà thầu tham gia dự thầu nộp khoản tiền mặt cam kết tối thiểu 8 tỷ đồng đã hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Ảnh: Tường Lâm

Tuy nhiên, trong văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) gửi Báo Đấu thầu mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Bắc Kạn vẫn một mực khẳng định, yêu cầu này không trái với quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP, không những không hạn chế nhà thầu tham dự thầu mà còn có sự linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu tham gia đấu thầu. 

Biến cam kết tín dụng… thành 8 tỷ đồng tiền mặt

Ngày 25/8/2017, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Bắc Kạn đã có văn bản gửi Báo Đấu thầu làm rõ việc HSMT Gói thầu BKII-12: Thi công xây dựng cầu Nặm Cắt thuộc Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thị xã Bắc Kạn giai đoạn II đưa ra yêu cầu nhà thầu phải nộp khoản tiền mặt tối thiểu 8 tỷ đồng. Bên mời thầu cho biết, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – thị xã Bắc Kạn là chương trình tài trợ dựa trên kết quả, việc giải ngân vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên các kết quả đầu ra. Kiểm toán Nhà nước là đơn vị xác minh kết quả độc lập cho Chương trình, trước khi tiến hành giải ngân các khoản chi.

Việc Bên mời thầu yêu cầu các nhà thầu tham gia dự thầu nộp khoản tiền mặt cam kết tối thiểu 8 tỷ đồng là nhằm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực sự để thực hiện gói thầu. Cơ sở để Bên mời thầu đưa ra yêu cầu này là căn cứ vào quy định tại phần Ghi chú, Mẫu số 11, Chương IV Biểu mẫu dự thầu, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập HSMT xây lắp, cụ thể: “Tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng 1 năm”. Từ đó, Bên mời thầu cho rằng, việc đưa ra yêu cầu nhà thầu phải nộp khoản tiền mặt cam kết tối thiểu 8 tỷ đồng là không trái quy định của Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, các chuyên gia về đấu thầu được tham vấn ý kiến đều trả lời yêu cầu này của Bên mời thầu sẽ làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Với yêu cầu này, Bên mời thầu đang biến quy định về cam kết tín dụng để chứng minh sự sẵn sàng nguồn lực tài chính của nhà thầu… thành quy định bắt buộc nộp tiền mặt. Hơn nữa, số tiền mặt 8 tỷ đồng không phải là khoản tiền nhỏ nên với yêu cầu này, nhà thầu sẽ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi 8 tỷ đồng tiền mặt bị “phong tỏa”. Từ đó, yêu cầu này sẽ hạn chế rất nhiều sự tham gia của các nhà thầu, không đúng với tinh thần của Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT. 

Đưa ra yêu cầu riêng, Bên mời thầu có bao biện?

Ngoài yêu cầu nhà thầu tham dự phải nộp khoản tiền mặt tối thiểu 8 tỷ đồng, một yêu cầu “chéo ngoe” khác của HSMT là nhà thầu phải nộp khoản tiền mặt cam kết này vào tài khoản của nhà thầu mở tại chi nhánh ngân hàng tin cậy trên địa bàn TP. Bắc Kạn.

Bao biện cho tiêu chí “mang đậm phong cách bản địa” này, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Bắc Kạn cho rằng, thời gian hoàn thành thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng tin cậy trên địa bàn TP. Bắc Kạn chỉ thực hiện trong vòng 1 ngày, nên việc nhà thầu nhận xét tiêu chí trên hạn chế các nhà thầu tham gia dự thầu, làm giảm tính cạnh tranh, không tiết kiệm ngân sách nhà nước, không đúng tính chất đấu thầu rộng rãi là không có cơ sở. Bên mời thầu còn cho biết, mặc dù HSMT có yêu cầu nhà thầu không được rút ra khỏi tài khoản số tiền cam kết 8 tỷ đồng tiền mặt trước khi kết thúc thời hạn 120 ngày tính từ thời điểm đóng thầu, nhưng để “tạo thuận lợi” cho các nhà thầu tham dự, Bên mời thầu cũng đã có những quy định linh hoạt như: đối với những nhà thầu không vượt qua bước đánh giá kỹ thuật thì ngay sau khi có thông báo của Bên mời thầu về kết quả đánh giá bước kỹ thuật, nhà thầu có quyền rút khoản tiền mặt cam kết này. Đối với nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, được tham gia bước đánh giá về mặt tài chính nhưng không trúng thầu thì ngay sau khi Bên mời thầu có thông báo về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu có quyền rút khoản tiền mặt cam kết nêu trên.

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, từ câu chuyện trên có thể thấy, khi “thiết kế” các tiêu chí của HSMT, Bên mời thầu đã lạm dụng quyền lực của mình hoặc áp đặt những suy diễn chủ quan, từ đó đưa ra một số yêu cầu bất hợp lý, có nguy cơ hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, không tương xứng về bản chất với hình thức đấu thầu rộng rãi.  

Chuyên đề