Gói thầu cung cấp than hơn 1.500 tỷ đồng: 1 nhà thầu Việt đối đầu 3 ‘ông lớn’ ngoại

(BĐT) - Bên mời thầu (BMT) - Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO3) vừa tổ chức đóng/mở thầu Gói thầu Cung cấp than Anthracite nhập khẩu phục vụ sản xuất điện cho Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 năm 2019 (Gói thầu Cung cấp than Arthracite nhập khẩu). 
Gói thầu cung cấp than hơn 1.500 tỷ đồng: 1 nhà thầu Việt đối đầu 3 ‘ông lớn’ ngoại

Đây là một trong hai gói thầu thuộc Dự án Cung cấp than nhập khẩu phục vụ sản xuất cho NMNĐ Vĩnh Tân 2 năm 2019. Theo đó, nguồn vốn thực hiện Dự án huy động từ hoạt động sản xuất kinh doanh của GENCO3. Thời gian thực hiện hợp đồng của Gói thầu là 12 tháng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Hơn 3 ngàn tỷ đồng mua than

Dự án nêu trên có giá dự toán là 3.060.372.543.800 VND. Dự án có hai gói thầu mua sắm hàng hóa lớn, gồm Gói thầu Cung cấp than Anthracite nhập khẩu với đảm bảo dự thầu là 15.679.140.692 đồng, giá dự toán 1.567.914.069.150 VND. Gói thầu Cung cấp than Sub - Bitum nhập khẩu có giá dự toán là 1.492.458.474.650 VND.

Gói thầu cung cấp than Arthracite nhập khẩu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ 09 giờ 00 ngày 22/02/2019 đến thời điểm đóng thầu (15 giờ 00 ngày 04/04/2019). Sau đó, BMT thông báo gia hạn thời gian phát hành HSMT 2 lần. Lần 1 được kéo dài đến ngày 19/4/2019 và lần 2 kéo dài đến 23/4/2019.

Lý do gia hạn được BMT cho biết là để đảm bảo cho nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) theo nội dung hiệu chỉnh HSMT.

Theo biên bản mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT), trong thời gian phát hành HSMT, đã có 10 nhà thầu mua HSMT. Đến thời điểm đóng thầu, có 4 nhà thầu nộp HSDT theo đúng quy định.

Trong số 4 nhà thầu dự thầu, chỉ duy nhất Công ty Consortium HSNS là nhà thầu trong nước. Được biết, Consortium HSNS chính là Tập đoàn Hoành Sơn (có địa chỉ tại tỉnh Hà Tĩnh), một doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu than đá. 3 nhà thầu còn lại đều là doanh nghiệp nước ngoài, gồm: Công ty Glencore International AG (đến từ Thụy Sỹ), Liên danh Tata International - 36 Trading Consortium (Ấn Độ) và Wel-hunt Material Enterprise Co., Ltd. (trụ sở chính tại Đài Loan, Trung Quốc).

Tại buổi mở thầu, tất cả các HSĐXKT của 4 nhà thầu đều được xác nhận còn nguyên niêm phong. Việc công bố các thông tin chủ yếu của các HSĐXKT đã được BMT thực hiện công khai, đầy đủ dưới sự chứng kiến của đại diện 4 nhà thầu, tổ chuyên gia đấu thầu cũng như đại diện NMNĐ Vĩnh Tân 2.

Biên bản mở HSĐXKT cho thấy, cả 4 nhà thầu đều có thời gian hiệu lực của HSĐXKT là 120 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Các nhà thầu đều cung cấp thư bảo lãnh dự thầu của ngân hàng. Trong đó, Consortium HSNS và Liên danh Tata -36 Trading cung cấp thư bảo lãnh có giá trị tương đương 15.679.140.692 VND. Glencore International AG và Wel-hunt Material Enterprise cung cấp thư bảo lãnh có giá trị 676.000 USD.

Các nhà thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng ghi trong đơn dự thầu là 12 tháng.

Một nội dung quan trọng trong buổi mở HSĐXKT là việc công bố dải reference của than theo yêu cầu của HSMT. Đây chính là tiêu chí quan trọng mà BMT đã có điều chỉnh trong quá trình phát hành HSMT nhằm nâng cao chất lượng của than Arthracite cũng như tạo thêm cơ hội tham gia cho các nhà thầu. Cụ thể, trước đây, dải reference được HSMT yêu cầu là 4500 Kcal/kg. Tuy nhiên, BMT đã điều chỉnh lên mức 4800 Kcal/kg.

Chiểu theo nội dung này, tại buổi mở thầu, cả 4 nhà thầu đều chào dải 4800 Kcal/kg theo đúng yêu cầu mà HSMT đã điều chỉnh.

Sau khi thông qua Biên bản mở HSĐXKT, BMT đã tiến hành niêm phong hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) theo đúng quy định.

Mong muốn lựa chọn được nhà thầu đáp ứng HSMT

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, BMT cho biết, đây là lần đầu tiên BMT cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp than nhập khẩu. Áp lực cung cấp nguồn than để phục vụ cho NMNĐ Vĩnh Tân 2 để đảm bảo nguồn cung điện cho mùa khô là rất lớn. “BMT mong muốn lựa chọn được nhà thầu đủ tiềm lực, kinh nghiệm để hoàn thành tốt các yêu cầu của Gói thầu”, đại diện GENCO3 khẳng định. Việc các nhà thầu tên tuổi trên thế giới tham dự thầu đã làm tăng cơ hội thu hút nhà thầu có năng lực tốt thực hiện Gói thầu.

Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành, các nhà máy điện thuộc EVN cần khoảng 26 triệu tấn than sản xuất trong nước để phát điện. Tuy nhiên, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (2 đơn vị cấp than sản xuất trong nước cho các nhà máy điện) có những khó khăn nhất định nên không thể cung cấp đủ than trong nước cho nhu cầu phát điện.

Mới đây, EVN đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép EVN được chủ động nhập khẩu một phần than để đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện.     

Chuyên đề