“Giấy phép con” trong đấu thầu (Kỳ 5): Sự biến tướng của giấy phép thầu?

Trước thực tế cấp phép thầu vẫn diễn ra, các chuyên gia cho rằng có thể “giấy phép thầu” sẽ vẫn tồn tại dưới “tên khai sinh” mới?! Băn khoăn này không phải là không có cơ sở trước những thông tin mà Bộ Xây dựng

Trước thực tế cấp phép thầu vẫn diễn ra, các chuyên gia cho rằng có thể “giấy phép thầu” sẽ vẫn tồn tại dưới “tên khai sinh” mới?! Băn khoăn này không phải là không có cơ sở trước những thông tin mà Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 01/2012/TT-BXD hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép thầu và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (TT01).

IMG

Việc quản lý nhà thầu nước ngoài là cần thiết, nhưng cần tránh những thủ tục lặp lại không cần thiết làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án

Từ “giấy phép thầu”

Việc cấp giấy phép thầu đang được triển khai theo TT01 (xem Kỳ 2 và Kỳ 3 Bài “Giấy phép con” trong đấu thầu đăng trên Báo Đấu thầu số 205 và 206 phát hành các ngày 28 và 29/10/2015). Theo thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (tại địa chỉ http://www.moj.gov.vn) thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, TT01 là văn bản hướng dẫn Quyết định số 87/TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam (QĐ87). Hiện tại, QĐ87 đã có văn bản thay thế/bãi bỏ/hủy bỏ/đình chỉ là Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (NĐ59), Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/8/2015.

Bộ Xây dựng hiện đang tiến hành lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (Dự thảo Thông tư). Dự thảo Thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế TT01.

Tuy nhiên, trước thực tế cấp phép thầu đang diễn ra, các chuyên gia cho rằng có thể “giấy phép thầu” sẽ vẫn tồn tại dưới “tên khai sinh” mới?! Băn khoăn này không phải là không có cơ sở trước những thông tin mà Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Thông tư nêu trên.

Đến “giấy phép hoạt động xây dựng”

Khái niệm giấy phép thầu được sử dụng tại TT01, được định nghĩa tại Khoản 10 Điều 2 QĐ87: "Giấy phép thầu là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho nhà thầu nước ngoài theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được lựa chọn thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam”. 

NĐ59 đã thay thế QĐ87, tại Khoản 8 Điều 2 NĐ59 quy định: “Giấy phép hoạt động xây dựng là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho nhà thầu nước ngoài theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Mối quan ngại về sự tồn tại của “giấy phép thầu” dưới “tên khai sinh mới” là có cơ sở khi có sự tương ứng về mặt khái niệm đã được cụ thể hóa bằng các thủ tục được đưa ra tại Dự thảo Thông tư mới để thay thế TT01. Theo đó, Dự thảo Thông tư đưa ra hàng loạt các thủ tục cấp phép hoạt động xây dựng như các thủ tục cấp phép thầu tại TT01. Các thủ tục này vừa có tính chất lặp lại các thủ tục tương ứng với yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đã nêu trong hồ sơ mời thầu và đã được nhà thầu chứng minh, đáp ứng trong hồ sơ dự thầu (xem Kỳ 4 Bài “Giấy phép con” trong đấu thầu đăng trên Báo Đấu thầu số 207 phát hành ngày 30/10/2015).    

Đơn cử tại Điều 4 của Dự thảo Thông tư hiện đưa ra các yêu cầu về Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng đối với tổ chức (nhà thầu) giống như các yêu cầu đối với Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu đối với tổ chức được quy định tại Điều 1 TT01. Sự khác nhau ở đây có chăng chỉ là sự thay thế tập hợp từ “giấy phép thầu” bằng tập hợp từ “giấy phép hoạt động xây dựng”?!.

Cụ thể, việc đưa ra các yêu cầu thủ tục chứng minh năng lực, kinh nghiệm (Bản sao có chứng thực Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp; Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 3 năm gần nhất; Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu; Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu...) là sự trùng lặp với các yêu cầu nêu tại Hồ sơ mời thầu và đã được xem xét trong quá trình xét thầu. Khi nhà thầu đã trúng thầu thì đã đáp ứng các yêu cầu này. Do đó, việc đưa ra các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm như vậy trong hồ sơ cấp giấy phép hoạt động xây dựng đang được cho là sự xét lại, làm tăng các thủ tục hành chính. 

Việc đặt ra các thủ tục như vậy cộng thêm thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng xem xét và cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu, đang làm kéo dài thêm thời gian cho các thủ tục hành chính trong khi nhà thầu, chủ đầu tư thường có ý kiến, mong muốn phải rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để có thể triển khai ngay gói thầu, đáp ứng yêu cầu về tiến độ dự án.

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 128 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: “Nhà thầu nước ngoài được lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu không phải xin cấp giấy phép thầu” (Điểm d), và “Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài có hiệu lực, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản về thông tin nhà thầu trúng thầu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ quản lý ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương nơi triển khai dự án để tổng hợp và theo dõi” (Điểm c). 

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 14 Dự thảo Thông tư của Bộ Xây dựng hiện đưa ra quy định trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài:“Chủ đầu tư hoặc chủ dự án có trách nhiệm theo quy định tại Điều 75 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cụ thể: Được ký hợp đồng giao nhận thầu khi chưa có Giấy phép hoạt động xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà thầu nước ngoài nhưng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nếu nhà thầu không xuất trình được giấy phép hoạt động xây dựng thì phải tạm dừng hợp đồng cho đến khi có giấy phép;”...

Việc đưa ra các quy định như vậy đang làm dấy lên các quan ngại về khả năng xảy ra sự chồng chéo, vướng mắc cho các đơn vị trong triển khai hợp đồng gói thầu sau khi trúng thầu.

Việc quản lý nhà thầu nước ngoài là cần thiết, nhưng quản lý bằng cách cấp phép như hiện nay và với những gì Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Thông tư mới thì mối quan ngại tái diễn tình trạng “giấy phép con” đi ngược chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch đang được đặt ra.

Bài và ảnh: Hoàng Liên

Chuyên đề