Gian lận đấu thầu ngày càng tinh vi

(BĐT) - Lần theo những kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) được công bố thời gian qua có thể thấy, khá nhiều nhà thầu có mặt trong các gói thầu với tư cách mập mờ, có dấu hiệu “vây thầu”, “quân xanh, quân đỏ”. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Dù vậy, sau hơn một năm được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt chấn chỉnh, vẫn chưa có một “quân xanh, quân đỏ” nào bị lật tẩy. 

Trúng gói lớn nhưng trật gói nhỏ

Khi phóng viên Báo Đấu thầu thực hiện những cuộc tra soát dữ liệu về các KQLCNT tại nhiều địa phương, nổi lên hiện tượng một nhà thầu thường xuyên trúng các gói thầu do một bên mời thầu tổ chức. Một khía cạnh khác luôn đi cùng với hiện tượng này là, đi kèm với nhà thầu có tần suất trúng thầu dày đặc luôn có từ 2 nhà thầu trở lên bám sát trong nhiều gói thầu. Những nhà thầu “đính kèm” này luôn bị loại bởi những lý do “trời ơi” như: không đủ tư cách, hồ sơ không hợp lệ, không có bảo lãnh dự thầu hoặc luôn chào với giá cao không tưởng.

Đổi lại, một thời gian sau, thậm chí cùng thời điểm đó, tại một gói thầu khác, dù quy mô nhỏ, “ông lớn” đã được “hỗ trợ” để trúng nhiều gói thầu lại đột nhiên bị rớt. Và đương nhiên, người thắng cuộc chính là nhà thầu “đính kèm” của “ông lớn” này từ những cuộc thầu trước.

Hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu được nhận diện rõ ràng bởi những KQLCNT có tên những nhà thầu đan xen chằng chịt như vậy: lúc thắng, lúc thua và luôn đi kèm với nhau trong nhiều cuộc thầu. Trớ trêu nhất chính là những nhà thầu chiến thắng vang dội ở các gói thầu “khủng” nhưng lại thua te tua tại các gói thầu quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Sau khi Báo Đấu thầu có nhiều loạt bài nêu tên những nhà thầu thường xuyên trúng thầu tại một địa phương, do một bên mời thầu tổ chức, để đối phó với việc “bị” công khai tần suất trúng thầu nhiều, một số nhà thầu đã vận dụng chiêu “hồn trương ba da hàng thịt”. Thông tin đến Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, để né dư luận, cơ quan giám sát về đấu thầu và được bên mời thầu “bật đèn xanh”, một số nhà thầu đã cố tình tham dự thầu nhưng lại “nhường” kết quả cho những tên tuổi vô danh khác. Việc trượt thầu những gói thầu này đều nằm trong chủ đích và ngay sau khi có KQLCNT, những hợp đồng ma, những cái bắt tay dưới gầm bàn, giao dịch ngầm... được triển khai để hợp thức hóa việc chuyển nhượng thầu. 

Dễ dãi cho mượn hồ sơ

Theo biên bản mở thầu một gói thầu vừa được tiến hành tại tỉnh Bình Định, sự đa dạng của các nhà thầu tham gia đã khiến nhiều người kinh ngạc. Gói thầu giá trị hơn 30 tỷ đồng, có sự tham gia của 3 đơn vị đều với tư cách là thành viên liên danh. Có liên danh mà thành phần nhà thầu tham gia có vị trí địa lý trải dài từ Trung Trung Bộ đến Đông Nam Bộ và “chốt hạ” bởi một thành viên đóng tại TP.HCM. Một đơn vị khác có sự tham gia của 5 thành viên gắn kết với nhau dù xa nhau đến cả ngàn km.

Với nhiều gói thầu xây lắp giá trị không quá lớn, sự đa dạng về thành viên trong liên danh nhà thầu dự thầu lộ rõ tính đối phó và mượn danh. “Hiện nay, các nhà thầu là doanh nghiệp lớn, có chút kinh nghiệm quá dễ dãi trong việc cho mượn hồ sơ năng lực với mác liên danh. Đôi khi, nhà thầu là doanh nghiệp lớn cho mượn hồ sơ vì quan hệ làm ăn, vì những lợi ích nhóm ràng buộc. Nhưng thường việc tham gia dự thầu đó chỉ dừng lại ở khâu dự cho đủ thành phần. Việc huy động nhân sự, trang thiết bị thi công như trong thỏa thuận liên danh, trong bảng phân công công việc thực tế không bao giờ xảy ra”, một nhà thầu chia sẻ.

Những hệ lụy từ các thỏa thuận ngầm khi liên danh vô hình trung khiến cho nhiều nhà thầu vướng vào những rắc rối không đáng có. Có nhiều thỏa thuận liên danh lỏng lẻo, khi xảy ra kiến nghị đấu thầu thì lộ ra sự bất đồng, thiếu thống nhất. Đã có doanh nghiệp phải làm văn bản từ bỏ tư cách thành viên liên danh, rút lui khỏi gói thầu. Thậm chí, do dễ dàng cho mượn hồ sơ với mác liên danh, khi nhà thầu thực tế thi công để xảy ra sai phạm, bị phạt, bị bêu danh sách đen cả liên danh thì các “ông lớn” mới ngã ngửa.

Tất cả những hành vi này dù tinh vi đến mấy cũng cần có sự giám sát chặt để sớm phát hiện, ngăn ngừa. Vì “vây thầu”, “quân xanh, quân đỏ”, cho mượn hồ sơ với mác liên danh là những tác nhân làm méo mó công tác đấu thầu, tạo nên những cuộc thầu “nội bộ”, không cạnh tranh, minh bạch.

Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước đã nêu rõ: “Trường hợp để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình lựa chọn nhà thầu như thông thầu, quây thầu, vây thầu..., căn cứ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Vấn đề là những cơ quan được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan giám sát, người có thẩm quyền có đủ mẫn cán và quyết liệt để lôi ra ánh sáng những nhà thầu “quân xanh, quân đỏ” đang tạo vây, tạo cánh trong các gói thầu hay không?

Chuyên đề