Gia tăng kỳ vọng đấu thầu minh bạch

(BĐT) - Sau hơn 1 năm rưỡi thi hành, kể từ khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực (1/7/2014), kỳ vọng nâng cao trách nhiệm giải trình trong hoạt động đấu thầu của nhà thầu, doanh nghiệp đã được hiện thực hóa ngày càng rõ nét hơn.
Nhà thầu luôn mong muốn được đối xử công bằng khi tham gia sân chơi các dự án sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Nhà thầu luôn mong muốn được đối xử công bằng khi tham gia sân chơi các dự án sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Từ kỳ vọng lớn…

Trước đây, theo quy định của Luật Đấu thầu 2005, nhà thầu khi có khiếu nại, tố cáo trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì gửi đơn trực tiếp đến bên mời thầu. Nhưng qua kết quả thực hiện, nhiều nhà thầu và chuyên gia phản ánh, việc giải quyết kiến nghị như vậy là thiếu khách quan, minh bạch. Số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong đấu thầu còn chiếm tỷ lệ rất ít, không mấy vụ việc được đưa ra tòa, trọng tài phân xử. Điều này phản ánh chưa đúng bức xúc thực sự của các nhà thầu tham dự đấu thầu các gói thầu, dự án mua sắm công.

Có thể lý giải một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do tâm lý ngại va chạm - rào cản khiến nhà thầu không quyết tâm đưa các vụ việc tiêu cực, đối xử bất công ra ánh sáng. Thậm chí, nếu có khả năng thành công trong vụ kiện thì không ít nhà thầu vẫn e ngại rằng sẽ mang tiếng là nhà thầu hay kiện cáo, hay “ý kiến” làm “mất hình ảnh” với các chủ đầu tư/bên mời thầu khác, từ đó gây khó khăn, bất lợi cho nhà thầu khi tham gia những gói thầu sau này.

Nhà thầu e ngại với việc khiếu nại, tố cáo còn do phần đông trong số họ thiếu niềm tin với cơ chế xử lý kiến nghị trong các quy định trước đây, khó bảo đảm tính khách quan, công tâm, bởi người giải quyết kiến nghị lại chính là đối tượng mà nhà thầu cần khiếu nại.

Nhận thức được những bất cập nêu trên, Luật Đấu thầu 2013 đã nâng cấp cơ chế giải quyết kiến nghị, theo đó, nhà thầu có thể gửi khiếu nại đến bên mời thầu, chủ đầu tư, và nếu không phục, nhà thầu có thể thưa kiện lên cấp cao hơn, thậm chí là ra tòa án theo pháp luật về tố tụng dân sự. 

…đến hiện thực hóa chính sách pháp luật

Theo tổng hợp của Báo Đấu thầu, trong năm 2015, số lượng đơn thư kiến nghị của nhà thầu gửi tới Báo Đấu thầu và phản ánh qua Đường dây nóng của Báo về quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu tăng lên rõ rệt. Phổ biến nhất là kiến nghị làm rõ hành vi gây cản trở, hạn chế tiếp cận hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu trong quá trình phát hành hồ sơ; tiếp đó là nội dung khiếu nại, tố cáo về kết quả lựa chọn nhà thầu chưa bảo đảm tính chính xác, công bằng và hiệu quả kinh tế.

Chưa nói đến tính chính xác của các đơn kiến nghị, nhưng sự tăng lên về số lượng phản ánh đã phần nào cho thấy, các nhà thầu đang ngày càng quan tâm và sẵn sàng đấu tranh để được đối xử công bằng, cạnh tranh khi tham gia sân chơi đấu thầu các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ công khai thông tin về đấu thầu, Báo Đấu thầu nhận thấy, phần lớn các chủ đầu tư, bên mời thầu đã tuân thủ nghiêm trách nhiệm đăng tải thông tin về đấu thầu và giải trình lý do nhà thầu trượt thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, bên cạnh thông tin về nhà thầu trúng thầu. Với việc đăng tải công khai thông tin này, các nhà thầu có cơ hội giám sát lẫn nhau và rút kinh nghiệm cho bản thân để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho những cuộc thầu khác. Không chỉ vậy, các cơ quan chức năng, các tổ chức có liên quan và người dân cũng có thể dễ dàng theo dõi, giám sát từng cuộc thầu.

Một thực tế khác, khi xử lý các nội dung đơn thư, khiếu nại do nhà thầu phản ánh, có chủ đầu tư, bên mời thầu cũng phàn nàn rằng, một số nhà thầu cố tình kiện cáo gây khó khăn, cản trở cho cuộc thầu và phía chủ đầu tư, bên mời thầu, làm mất thời gian, phiền phức… Không phủ nhận thực tế có thể có những trường hợp như vậy, nhưng về lâu dài, chủ đầu tư, bên mời thầu cần phải nâng cao năng lực, giảm sai sót để tránh bị khiếu kiện. Không chỉ như vậy, chủ đầu tư, bên mời thầu hay tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chức đấu thầu tập trung còn phải nâng cao tính phản biện, lập luận chặt chẽ thì mới có thể thuyết phục được nhà thầu trượt thầu có trình độ và hiểu biết pháp luật “tâm phục khẩu phục”.

Các chuyên gia đấu thầu quốc tế cũng như các tổ chức tài chính, nhà tài trợ nước ngoài đã nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải tăng cường sự giám sát trong đấu thầu để phòng chống tham nhũng, đấu thầu khép kín, nhằm tạo ra một môi trường mua sắm hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh và minh bạch thông tin. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu này được coi là điều kiện bắt buộc khi chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết khi mở cửa thị trường mua sắm công trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu ÂU (EVFTA).

Chuyên đề