Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4: Sẽ phải tổ chức đấu thầu?

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản nêu ý kiến về việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 tại TP.HCM. Tại văn bản này, Bộ KH&ĐT nêu rõ, Bộ không đủ cơ sở để có ý kiến đối với đề xuất của UBND TP.HCM lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. 
Để sớm đầu tư và hoàn thành Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, UBND TP.HCM kiến nghị được lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Ảnh: Hoàng Hải
Để sớm đầu tư và hoàn thành Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, UBND TP.HCM kiến nghị được lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Ảnh: Hoàng Hải

Trường hợp UBND Thành phố vẫn tiếp tục kiến nghị lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 Luật Đấu thầu thì phải giải trình đầy đủ, chi tiết cụ thể và có tính thuyết phục lý do và phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Chưa nêu rõ tính đặc thù riêng biệt của Dự án

Theo Bộ KH&ĐT, Điều 26 Luật Đấu thầu quy định, nếu dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại các Điều 20, Điều 22 Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Trước đó, liên quan đến Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, tại Văn bản số 8651/BKHĐT-QLĐT ngày 17/10/2016, Bộ KH&ĐT đã đề nghị UBND TP.HCM giải trình bổ sung tính đặc thù của Dự án về giải pháp kỹ thuật, tài chính, hiệu quả kinh tế và lý do lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, về lý do lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBND TP.HCM chưa nêu rõ tính đặc thù riêng biệt của Dự án mà không thể áp dụng được đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20, Điều 22 Luật Đấu thầu (chỉ nêu lý do hết sức chung chung là để giải quyết ùn tắc giao thông). UBND Thành phố cũng chưa nêu rõ lợi ích kinh tế, hiệu quả, tiết kiệm thời gian khi áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 Luật Đấu thầu hoặc những tác động tiêu cực khi Dự án phải thực hiện đấu thầu rộng rãi.

Đáng lưu ý, về phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, UBND TP.HCM không đề cập đến phương án, bao gồm: cách thức lựa chọn; trình tự thủ tục của quá trình lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của Dự án. Riêng về chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, tại Văn bản giải trình số 1901/UBND-DA, UBND TP.HCM mới đề cập đến kinh nghiệm nhà đầu tư và năng lực tài chính một cách chung chung, chưa đề cập đến khả năng huy động, thu xếp vốn đầu tư vào Dự án (bao gồm cả việc di dời các cầu cảng) nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Dự án.

Từ các phân tích nêu trên, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP.HCM căn cứ quy định tại Điều 20, Điều 22 Luật Đấu thầu và Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP để tự quyết định theo thẩm quyền về hình thức lựa chọn nhà đầu tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trường hợp UBND TP.HCM vẫn tiếp tục kiến nghị áp dụng lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 Luật Đấu thầu thì phải giải trình đầy đủ, chi tiết cụ thể và có tính thuyết phục lý do và phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Trên cơ sở đó Bộ KH&ĐT sẽ xem xét theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu và Điểm b Khoản 1 Điều 86 Nghị định 30/2015/NĐ-CP để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Cân nhắc về tính khả thi việc bố trí các quỹ đất

Liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án, Bộ KH&ĐT cho rằng, trong Văn bản số 1901, UBND TP.HCM nêu thông tin về quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT thuộc Khu đô thị Thủ Thiêm và một số khu đất của Thành phố. Ngoài ra, nhà đầu tư thực hiện Dự án được ứng trước vốn di dời các cầu cảng và được thanh toán bằng quỹ đất tại khu cảng Tân Thuận và các vị trí khác trên địa bàn Thành phố. Điều này có nghĩa UBND TP.HCM sẽ phải bố trí quỹ đất lớn để thanh toán cho nhà đầu tư vừa thực hiện nhiệm vụ di dời cầu cảng (với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng), vừa thực hiện đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (với tổng mức đầu tư khoảng 5.253 tỷ đồng).

Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng, UBND TP.HCM cần cân nhắc về tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất này trên cơ sở rà soát về tính pháp lý nhằm đảm bảo thanh toán đủ cho nhà đầu tư, kế hoạch giải phóng mặt bằng trong bối cảnh nguồn lực đất đai ngày càng hạn chế. Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất phải được xác định trên cơ sở giá thị trường, tránh thất thoát nguồn lực, tài sản nhà nước.

Riêng phương án di dời cầu cảng, Bộ KH&ĐT đã có ý kiến tại Công văn số 8651/BKHĐT-QLĐT ngày 17/10/2016. Tại Văn bản giải trình số 1901, UBND TP.HCM cũng đã bổ sung phân tích ảnh hưởng của Dự án đến hoạt động của các cảng biển hiện hữu trên sông Sài Gòn và phương án di dời các bến cảng khu vực thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4 về cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Vì vậy, trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời các cầu cảng, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP.HCM cần tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các nhà đầu tư (đang vận hành các cụm cảng hiệu hữu) để thống nhất phương án di dời các cầu cảng trên cơ sở đánh giá tổng thể hiệu quả đầu tư cũng như tác động của Dự án.

Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 tự cân đối chi phí, nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BT). Đến nay, liên danh này đã hoàn thành nghiên cứu đề xuất dự án. Các sở, ngành liên quan của Thành phố đã kiểm tra và xác định liên danh này có đủ điều kiện và năng lực tài chính, có tổng vốn chủ sở hữu đảm bảo theo quy định để thực hiện Dự án.

Chuyên đề