Dự án nước sông Đà 2: Chưa ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc

Đại diện chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà 2 về Hà Nội - Cty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết, chỉ khi nào cơ quan chức năng có ý kiến đồng ý mới chính thức tiến hành ký hợp đồng với Cty TNHH Ống gang dẻo Xinxing về gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện.
Đường ống nước Sông Đà về Hà Nội đã nhiều lần bị vỡ vì chất lượng ống hiện tại.
Đường ống nước Sông Đà về Hà Nội đã nhiều lần bị vỡ vì chất lượng ống hiện tại.

Chưa ký hợp đồng

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Quốc Dương, Phó Tổng Giám đốc Cty CP nước sạch Vinaconnex (Viwasupco)- chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà 2 về Hà Nội cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều qua (28/3) Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp để bàn về dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2, tham dự cuộc họp có các bên liên quan như: Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ KH&ĐT); Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Kinh tế xây dựng và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Cuộc họp cũng có đại diện các sở ngành Hà Nội như: Sở KH&CN; Sở Y tế; Sở Xây dựng…, cùng chủ đầu tư dự án.

“Tại cuộc họp này các cơ quan chức năng không đưa ra ý kiến phản đối chất liệu ống gang dẻo đã lựa chọn. Đồng thời cũng không thấy cơ quan chức năng hay ý kiến cá nhân nào trong cuộc họp đưa ra giải pháp khác hay phản đối việc lựa chọn nhà thầu Cty TNHH Ống gang dẻo Xinxing của Trung Quốc. Sau cuộc họp này, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo lên UBND thành phố Hà Nội và đến ngày 31/3 sẽ báo nội dung này lên Chính phủ”, ông Dương cho biết. Theo ông Dương điều mà các cơ quan chức năng lưu ý đấy là vấn đề tuyên truyền để người dân hiểu.

Được biết, theo dự kiến trong tuần này chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với nhà thầu là Cty TNHH Ống gang dẻo Xinxing của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Vinaconex làm chủ đầu tư nên việc ký hợp đồng sẽ tạm thời lùi lại. “Chỉ khi nào Chính phủ, cơ quan chức năng có ý kiến đồng ý thì chủ đầu tư mới chính thức tiến hành ký hợp đồng với Cty TNHH Ống gang dẻo Xinxing về gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện cho dự án. Hiện chúng tôi đang soạn thảo hợp đồng nên việc tạm thời lùi này là mình chủ động, không ảnh hưởng đến các điều khoản”, vị cán bộ này cho biết.

Trước đấy trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng hủy kết quả trúng thầu, lãnh đạo Viwasupco cho hay, nếu nhà thầu không có lỗi thì không thể hủy được kết quả đã đấu thầu. “Nếu hủy trọng tài nước thứ 3 sẽ xem xét, bên nào sai sẽ phải bồi thường. Trường hợp nếu hủy, sẽ phải làm lại quy trình mới”, lãnh đạo Viwasupco nói.

Trao đổi với phóng viên chiều 28/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng đang phối hợp với thành phố Hà Nội thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đó là rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Vinaconex làm chủ đầu tư. “Việc này do thành phố Hà Nội chủ trì, các đơn vị chuyên môn của Bộ tham gia để có báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ”, ông Hùng nói.

Cần mời cơ quan giám định độc lập

TS Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, dù vật liệu gang được sử dụng phổ biến trong ngành cấp nước, nhưng Việt Nam vẫn nên cẩn trọng khi sử dụng đường ống dẫn nước của Trung Quốc. Tốt nhất nên mời một cơ quan giám định độc lập nếu sử dụng đường ống này. Theo TS Phương, “Ống gang dẻo” (giới chuyên môn hay gọi là “ống gang cầu”) được dùng phổ biến nhất trong ngành cấp nước do sản xuất đơn giản, độ bền cơ học cao (chịu được lực nén, lực kéo, lực uốn tốt), chịu được ăn mòn, hầu như không độc hại đến sức khỏe con người. Theo Hiệp hội nghiên cứu ống gang cầu của Mỹ (DIPRA), thì tuổi thọ của ống gang cầu có thể đến trên 100 năm.

Tuy nhiên, cũng theo TS Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện khoa học Vật liệu, ống gang cầu được phủ bên trong và bên ngoài bằng nhiều loại vật liệu khác nhằm mục đích bảo vệ chống ăn mòn. Bên trong, nơi tiếp xúc với nước thường được phủ bằng lớp vữa xi-măng hoặc lớp epoxy dày đến 5mm. Bên ngoài ống, thường được phủ một lớp phun kẽm và nhựa bi-tum dày vài chục micromet. Trong đó lớp phủ bên trong, nơi tiếp xúc với nước có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu lớp phủ không được làm bằng những loại vật liệu đảm bảo chất lượng.

Ở Mỹ, Hiệp hội nghiên cứu ống gang cầu đã qui định rõ chất lượng gang cầu làm đường ống, các phương pháp thử nghiệm vật liệu gang. Song song đó, họ cũng quy định rất rõ chất lượng lớp phủ bên trong ống, chất gì được dùng, chất gì không được dùng nhằm đảm bảo độ bền của ống và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo TS Phương cũng cần phải nhìn nhận, không nhiều nhà sản xuất trên thế giới có thể đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư do kích thước đường ống lớn, thời gian cung cấp ngắn. “Ở đây chúng ta chưa bàn đến tại sao phải thiết kế đường ống quá lớn như thế, trong khi có thể làm 2 đường ống khoảng 1,2 m, vừa đảm bảo an toàn khi vận hành, vừa tạo điều kiện lựa chọn được nhiều nhà cung cấp trên thế giới. Đầu tư 2 đường ống có thể làm chi phí đầu tư cao hơn, nhưng đảm bảo tính an toàn, không phải cắt nước khi sửa chữa và bảo dưỡng”, vị này phân tích.

Theo TS Phương, với dự án này tính sơ bộ sẽ cần đến khoảng gần 3.000 ống gang cầu cho 21 km đường ống. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải kiểm tra chất lượng ống gang cầu như thế nào trước khi đưa vào lắp đặt và vận hành.

“Tôi đề nghị vì là đường ống nước làm cho chúng ta, nên chúng ta phải tự kiểm tra lấy. Có thể phải kiểm tra từng đường ống, hoặc kiểm tra xác suất với tần suất lớn hơn bình thường. Chỉ có như vậy mới trấn an được dư luận, mới tự trấn an được chính chúng ta. Viện chúng tôi có đủ năng lực về thiết bị và con người để có thể kiểm tra chất lượng ống gang cầu. Ngoài việc kiểm tra chất lượng vật liệu ống, chúng tôi còn có thể phân tích đánh giá chất lượng lớp phủ bên trong ống, đảm bảo không có các nguyên tố gây độc hại đến sức khỏe con người. Vấn đề là chủ đầu tư có ý định và mời những cơ quan có đủ năng lực để kiểm tra, đánh giá hay không thôi”, TS Phương đề nghị.

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành phải bảo đảm cung cấp nước sạch không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại khu vực đô thị, nhất là trong mùa hè. Theo đó, yêu cầu đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các nhà máy sản xuất nước của thành phố vận hành tối ưu và đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại khu vực đô thị, nhất là trong mùa hè.
Cũng theo TS Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện khoa học Vật liệu, ống gang cầu được phủ bên trong và bên ngoài bằng nhiều loại vật liệu khác nhằm mục đích bảo vệ chống ăn mòn. Bên trong, nơi tiếp xúc với nước thường được phủ bằng lớp vữa xi-măng hoặc lớp epoxy dày đến 5mm. Bên ngoài ống, thường được phủ một lớp phun kẽm và nhựa bi-tum dày vài chục micromet. Trong đó lớp phủ bên trong, nơi tiếp xúc với nước có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu lớp phủ không được làm bằng những loại vật liệu đảm bảo chất lượng.

Chuyên đề