Đổi mới tư duy từ bước lập dự án PPP

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT (TT02) ngày 01/3/2016 về hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 
Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn chi tiết về chỉ số đánh giá chất lượng thực hiện dự án (KPI). Ảnh: Tất Tiên
Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn chi tiết về chỉ số đánh giá chất lượng thực hiện dự án (KPI). Ảnh: Tất Tiên

Đây là thông tư hướng dẫn chi tiết quá trình chuẩn bị một dự án PPP, với nhiều nội dung cho thấy sự đổi mới tư duy ngay từ bước lập dự án.

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong các yếu tố quan trọng để thành công trong việc thu hút mạnh mẽ vốn từ các nhà đầu tư quốc tế vào các dự án PPP là ngay từ bước đầu sơ khai lập dự án đã cần phải tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tinh thần này đã được thể hiện tại TT02.

Về phạm vi điều chỉnh, TT02 hướng dẫn việc lựa chọn sơ bộ dự án; lập, thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP.

Sau một năm triển khai Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, thuật ngữ “PPP” đã dần trở nên quen thuộc đối với không chỉ các bộ, ngành và địa phương, mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Và một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là đổi mới tư duy trong lập dự án PPP.

Theo Cục Quản lý đấu thầu, thông qua TT02, việc đổi mới tư duy trong lập một dự án PPP được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh.

Đầu tiên, TT02 nhấn mạnh hơn nhiệm vụ đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội trong đề xuất dự án cũng như trong báo cáo nghiên cứu khả thi. Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội là cơ sở để đánh giá các tác động của dự án đối với nền kinh tế và đối với xã hội, từ đó quyết định đầu tư dự án. Đối với dự án PPP, việc đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội có ý nghĩa quan trọng hơn vì có yếu tố tư nhân cùng triển khai dự án. Khi đó, bộ, ngành và địa phương cần xem xét cụ thể các chỉ tiêu kinh tế, xã hội để cân bằng giữa lợi ích của xã hội và lợi ích của nhà đầu tư (được xác định qua phân tích tài chính dự án). Do vậy, TT02 quy định: chỉ những dự án đáp ứng hiệu quả kinh tế, xã hội thì mới được xem xét để đầu tư thu hút nguồn lực tư nhân.

Thứ hai, khi quyết định đầu tư theo hình thức PPP, tư duy của người lập và quản lý dự án cần phải chuyển hướng từ quản lý đầu vào (áp đặt sẵn một công trình, dịch vụ) sang quản lý đầu ra (chỉ đặt ra yêu cầu và để nhà đầu tư có sự chủ động, sáng tạo trong việc triển khai công trình, dịch vụ). Nhiệm vụ quan trọng của TT02 là phải truyền tải được thông điệp nêu trên, cũng như có những hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành và địa phương dần chuyển hướng. Do vậy, những thuật ngữ về chỉ số đánh giá chất lượng thực hiện dự án (Key Performance Indicators – KPI) đã được đưa vào Thông tư để hướng dẫn.

Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT đã đưa vào nhiều nội dung cho thấy sự khác biệt giữa một dự án PPP so với một dự án đầu tư công truyền thống
Khía cạnh cuối cùng cần phải đề cập tới là TT02 đã đưa vào nhiều nội dung khác biệt giữa một dự án PPP so với một dự án đầu tư công truyền thống. Đề xuất dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi của một dự án PPP cần phải thuyết minh được những nội dung mà các đối tác đến từ khu vực tư nhân quan tâm, như: dự báo nhu cầu sử dụng công trình, sản phẩm, dịch vụ mà dự án cung cấp; tính khả thi về mặt tài chính của dự án; loại hợp đồng dự án phù hợp nhất; các rủi ro có thể phát sinh và cách thức quản lý, giảm thiểu các rủi ro đó; các ưu đãi mà nhà đầu tư sẽ được hưởng khi tham gia thực hiện dự án và một số nội dung quan trọng khác.

Đại diện đơn vị soạn thảo TT02 cũng cho biết, PPP sẽ mở ra một cách làm mới thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn từ quốc tế cho thấy, việc chuẩn bị đầu tư của một dự án PPP cần phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu, khảo sát nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo dự án hấp dẫn nhà đầu tư nên các nguồn lực về cả tài chính và nhân lực cho quá trình lập dự án là rất lớn. Do vậy, trước khi quyết định dành ra một khoản ngân sách để chuẩn bị đầu tư cho một dự án PPP, các bộ, ngành và địa phương cần có những xem xét và cân nhắc nhất định.

Với TT02 vừa được ban hành, hy vọng các bộ, ngành và địa phương có đủ công cụ để thực hiện, tạo môi trường đầu tư mới cạnh tranh hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư tốt hơn.

Chuyên đề