Đổi mới cách thức bảo dưỡng quốc lộ

(BĐT) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phương án đấu thầu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) hệ thống quốc lộ giai đoạn 5 năm 2018 - 2022 với nhiều đổi mới về cách thức thực hiện và tư duy quản lý trong việc lựa chọn nhà thầu BDTX quốc lộ.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cần tăng giá trị dự toán bảo dưỡng quốc lộ, tối thiểu đạt mức bình quân chung cả năm 2017 là 50 triệu đồng/km/năm. Ảnh: Huyền Trang
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cần tăng giá trị dự toán bảo dưỡng quốc lộ, tối thiểu đạt mức bình quân chung cả năm 2017 là 50 triệu đồng/km/năm. Ảnh: Huyền Trang

Mở rộng phạm vi và giá trị gói thầu

TCĐB cho biết, việc đấu thầu BDTX đường bộ được thực hiện từ năm 2013. Năm 2013 đã tổ chức đấu thầu thí điểm 4 gói thầu BDTX quốc lộ, thời gian thực hiện hợp đồng từ 2014 - 2016. Năm 2015, TCĐB đã chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT triển khai đấu thầu toàn bộ hệ thống quốc lộ với thời gian thực hiện 3 năm 2015 - 2017. Kết quả là năm 2015 đã đấu thầu thành công 129 gói thầu trên cả nước, tiết kiệm hơn 82 tỷ đồng qua đấu thầu, tương đương với 5,54% giá gói thầu. Chỉ một số đoạn tuyến có chiều dài nhỏ, nằm xen kẹt với các dự án xây dựng cơ bản, dự án BOT, một số đoạn tuyến mới nâng thành quốc lộ không đủ để hình thành gói thầu thì mới tổ chức đặt hàng BDTX.

Theo đề xuất của TCĐB, thời gian thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ quản lý, BDTX quốc lộ nên thực hiện trong 5 năm (từ 2018 đến hết 2022) để khuyến khích các nhà thầu đầu tư máy móc, thiết bị thực hiện hợp đồng, ổn định lực lượng công nhân lành nghề thực hiện gói thầu trong cả 5 năm, có điều kiện đào tạo nhân công vận hành các máy móc công nghệ mới. So với các gói thầu BDTX quốc lộ thực hiện trong 3 năm thì các gói thầu BDTX quốc lộ thực hiện trong 5 năm sẽ phải mở rộng về khối lượng gói thầu, chiều dài quốc lộ trong gói lớn hơn nên giá trị gói thầu cũng tăng lên.

TCĐB cho rằng, gói thầu quản lý, BDTX đường có chiều dài khoảng 200 km đến trên 300 km (trừ các trường hợp có tuyến ngắn nằm xa các tuyến khác do bị xen giữa các dự án BOT, dự án quản lý tài sản đường bộ, dự án xây dựng cơ bản và đặc thù khác. TCĐB cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép 1 gói thầu BDTX nhiều tuyến quốc lộ. Mục đích là đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc thiết bị như máy san bạt lề, cào bóc tái chế và cào bóc hằn lún, ô tô bán tải tuần đường… thay nhân công và thay các phương tiện thô sơ. Theo đó, toàn bộ Quốc lộ 3 (trừ các đoạn BOT) sẽ thành 1 gói thầu; toàn bộ Quốc lộ 2 có thể sẽ chỉ còn 1 gói thầu… TCĐB cho rằng, việc tăng chiều dài và quy mô từng gói thầu BDTX cũng sẽ làm giảm số lượng gói thầu nên thuận tiện cho công tác kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán và thanh kiểm tra, quyết toán.

Tăng giá trị dự toán bảo dưỡng quốc lộ

TCĐB cho biết, đơn giá BDTX quốc lộ của 4 gói thầu thí điểm thực hiện từ năm 2014 - 2016 trung bình là từ 80 - 90 triệu đồng/km/năm (bao gồm cả cầu và cống). Đầu năm 2014, Bộ GTVT có chủ trương cắt giảm giá trị BDTX và hạn mức chi phí BDTX từ năm 2014 - 2017 chỉ còn 25 triệu đồng/km/năm. Do cắt giảm vốn nhiều, các cơ quan quản lý lúng túng dẫn đến vẫn quy định tất cả các nội dung của bộ tiêu chí nghiệm thu đánh giá theo Quyết định số 2196/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ GTVT trong các hồ sơ mời thầu nên các nhà thầu bỏ giá cao hơn giá dự toán khoảng 2 lần, có gói thầu cao hơn 3 lần. Do đó, toàn bộ các gói thầu có định mức 25 triệu đồng/km/năm đấu thầu năm 2014 không thành công.

TCĐB đã nghiên cứu các quy định của Nhà nước về minh bạch các cơ sở hình thành giá dịch vụ công ích, do đó đã công khai các khối lượng, hạng mục có trong dự toán duyệt tương ứng khối lượng mời thầu và tiêu chí nghiệm thu đánh giá chất lượng nên đã đấu thầu thành công toàn bộ các gói thầu này.

TCĐB cho rằng, định mức dự toán BDTX chỉ có 25 triệu đồng/km/năm chưa khuyến khích được nhà thầu mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để quản lý, bảo dưỡng quốc lộ, các công trình cầu trên đó. Do đó, cần tăng giá trị dự toán bảo dưỡng quốc lộ, tối thiểu đạt mức bình quân chung cả năm 2017 là 50 triệu đồng/km/năm, các năm tiếp theo được bổ sung chi phí trượt giá theo đúng quy định tại Điều 24 Nghị định 10/2013/NĐ-CP để làm căn cứ lập, duyệt dự toán và tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo những chi phí tối thiểu cho BDTX mặt đường, lề, rãnh thoát nước, vệ sinh sơn dặm trên đường.

Chuyên đề