Điều kỳ diệu từ nội lực của nhà thầu Việt

(BĐT) - Một niềm vui rất lớn trong cộng đồng nhà thầu Việt Nam chính là nhiều nhà thầu đang vươn lên rất mạnh mẽ, làm chủ nhiều công trình lớn, và tự tin vươn ra “biển lớn”. Điều mà lâu nay, vốn dĩ chỉ dành cho nhà thầu ngoại.
Báo cáo của ngành xây dựng cho thấy, hiện 85% số dự án xây dựng lớn đã thuộc về các nhà thầu trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Báo cáo của ngành xây dựng cho thấy, hiện 85% số dự án xây dựng lớn đã thuộc về các nhà thầu trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Từ công trình nhà cao nhất, hầm sâu nhất

Theo Bộ Xây dựng, đội ngũ nhà thầu xây lắp của Việt Nam, ở nhiều lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao hiện nay là công trình hầm, nhà cao tầng đều đang thực sự làm chủ công nghệ và chiếm lĩnh thị phần trong nước, thậm chí xuất khẩu được ra nước ngoài. Có thể lấy tòa nhà Lanmark 81 tại TP.HCM như một biểu tượng rõ nhất về vai trò của nhà thầu Việt trong ngành xây dựng. Lần đầu tiên, một công trình xây dựng trên 80 tầng tại Việt Nam, với chiều cao hơn 481m và là một trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới đã được triển khai và thi công bởi một nhà thầu trong nước - Coteccons. Sự kiện này đã đưa tên tuổi nhà thầu Việt Nam vào Top 50 nhà thầu trên thế giới có đủ khả năng thi công những công trình phức tạp nhất.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Hầm đường bộ Đèo Cả và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là 2 trong số 7 công trình xây dựng được gắn biển tiêu biểu và trọng điểm quốc gia. Đây cũng là những công trình xây dựng với quy mô lớn do các nhà thầu Việt Nam chủ trì phần thiết kế và thi công.

Có thể nói, những công trình này là minh chứng rõ nét nhất khẳng định năng lực của các nhà thầu Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh vượt bậc. Điều này nếu so sánh với thời điểm gần 20 năm trước đủ thấy tốc độ phát triển như vũ bão của đội ngũ nhà thầu xây lắp Việt Nam như thế nào. Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cách đây 20 năm, nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ yếu vẫn là cung cấp nhân công, ngay việc tham gia vào thị trường xây dựng nước ngoài cũng chỉ là cung cấp lao động, chưa làm chủ được các dự án, công trình riêng.

Thế nhưng, đến năm 2019, các nhà thầu xây lắp nước ngoài đã bắt đầu ngả mũ trước sự trưởng thành vượt bậc từ kỹ thuật công nghệ đến đội ngũ nhân sự của ngành xây dựng Việt Nam. Từ chỗ công trình từ 10 tầng trở lên chỉ thuộc về nhà thầu ngoại, nay chỉ cần gọi tên Coteccons, Hòa Bình, FECON, Unicons… thì chính các nhà thầu ngoại sừng sỏ cũng phải kiêng nể.

Thời điểm Tập đoàn Coteccons cất nóc tòa nhà Landmark tại TP.HCM với chiều cao tới 81 tầng đã lập nên một kỷ lục mới. Đây là công trình cao thứ 10 thế giới ở thời điểm cất nóc và trước đây không ai dám nghĩ đến nhà thầu Việt sẽ thực hiện được. Bộ Xây dựng cho biết, sự kiện này trực tiếp góp phần ghi danh tên tuổi nhà thầu Việt vào danh sách các nhà thầu tên tuổi trên thế giới. Đó là nói về chiều cao.

Nếu nói về độ sâu, có thể kể tên ngay Tập đoàn Hòa Bình đã đảm nhận thi công thành công công trình có độ sâu tới 5 - 6 tầng hầm, tương đương chiều sâu 25 - 30m, có độ phức tạp và quy mô lớn dưới đất. Đó là công nghệ xây hầm Đèo Cả từng khiến giới xây lắp nức lòng. Có thể nói, từ công trình có chiều sâu 30m như hầm Đèo Cả, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào bóng dáng của nhà thầu Việt ở những công trình hiện đại nhất như ga tàu điện ngầm.

Câu chuyện này cũng không phải là cổ tích xa vời khi mới đây, Công ty CP FECON cho biết, doanh nghiệp này đã được Liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda chính thức lựa chọn để tham gia vận hành trực tiếp thiết bị khoan TBM cho công tác đào hầm metro tại Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên trong một hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo trực tiếp từ chuyên gia Nhật Bản.

Trước đó, CIENCO 6 đã trở thành thành viên liên danh trúng thầu, được ký kết hợp đồng trọn gói (EPC) Gói thầu số 2 của Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên với nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản). Và cũng tại dự án này, CIENCO 4 liên danh với Sumitomo Mitsui đã trúng Gói thầu 1a trị giá 4.850 tỷ đồng.

Mới đây, Tập đoàn Taisei - một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu Nhật Bản - đã tìm đến và mời Coteccons ký hợp đồng hợp tác làm ăn.

Và việc các tập đoàn kinh tế lớn tìm đến các nhà thầu xây dựng chuyên nghiệp tại Việt Nam để trao những hợp đồng “khủng” giờ đây đã trở nên phổ biến. Cuối năm 2018, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt đã được Liên doanh 2 nhà đầu tư lớn đến từ Singapore và Việt Nam trao Gói thầu Tổng thầu thi công Dự án Metro Star, với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng.

Báo cáo của ngành xây dựng cho thấy, hiện 85% số dự án xây dựng lớn đã thuộc về các nhà thầu trong nước. Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Dương Văn Cận nhận xét, đây đang là thời kỳ vàng của các nhà thầu xây dựng Việt Nam với việc chinh phục nhiều đỉnh cao mới hoàn toàn bằng sức mạnh, trí tuệ Việt. Những nhà thầu xây lắp Việt Nam hiện đang đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, là đối tác tin cậy của các tập đoàn lớn khi vào thị trường Việt Nam. 

... đến vươn ra “biển lớn”

Khát vọng phát huy nội lực nhà thầu Việt từ lâu luôn được đội ngũ cán bộ ngành dầu khí nung nấu. Thời điểm 2014, có rất nhiều sự kiện của ngành dầu khí cho thấy sự vươn lên không ngừng của công nghệ, sản phẩm của người Việt. Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đảm nhiệm vai trò làm tổng thầu nhiều dự án lớn của đất nước như Dự án Biển Đông 1, Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, Dự án Nhơn Trạch 2…

Dự án Thu gom khí mỏ Đại Hùng được PVN chọn là “dự án điểm” để chứng minh sự tự lực tối đa của các nhà thầu Việt Nam. Các hạng mục chính yếu và quan trọng của dự án này như sản xuất ống, bọc ống và tổ chức thi công rải ống biển đều do các nhà thầu Việt Nam cung ứng và tổ chức thực hiện. Dự án do Tổng công ty Khí Việt Nam thực hiện với thời gian giao hàng từ 12 - 14 tháng trong điều kiện thi công trên biển rất phức tạp, nhiều rủi ro, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết biển…

Cuối tháng 2/2018, Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã bàn giao 3 giàn khai thác B12-15, B12-11, B12-17 cuối cùng trong tổng số 5 giàn khai thác cho Dự án Daman của chủ đầu tư ONGC (Ấn Độ). Sự kiện này tiếp tục khẳng định thương hiệu và năng lực của nhà thầu Việt trong khu vực và trên thế giới qua việc thực hiện thành công các dự án xây lắp công trình dầu khí cho chủ đầu tư nước ngoài. PTSC thời gian qua liên tục trúng thầu nhiều gói thầu quy mô lớn trong lĩnh vực giàn khoan cho các đối tác nước ngoài. Đây có thể được xem là “cánh chim tiêu biểu” cho việc “vươn ra biển lớn” của nhà thầu Việt.

Mới đây, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) cho biết, đơn vị này vừa nhận được thông báo trúng thầu cung cấp giàn khoan tự nâng PV DRILLING I và PV DRILLING VI, phục vụ cho một số chiến dịch khoan tại Malaysia.

Một thành tích khác trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân sự của PV Drilling là đã đào tạo thành công giàn trưởng người Việt cho giàn PV DRILLING VI, đủ năng lực quản lý và vận hành giàn khoan, để thay thế chuyên gia nước ngoài, giúp giảm chi phí và tăng cường năng lực quản lý của lao động Việt Nam trên giàn khoan.

Trong khi đó, giàn khoan PV DRILLING I lại là niềm tự hào của người Việt. Giàn khoan này được đóng mới năm 2005, đưa vào vận hành năm 2007 trong bối cảnh tại Việt Nam chỉ có giàn khoan nước ngoài hoạt động.

PV Drilling là nhà thầu Việt Nam đầu tiên sở hữu và vận hành thành công một giàn khoan biển tự nâng. Kể từ ngày đầu đưa vào vận hành cho đến nay, giàn PV DRILLING I luôn đạt thành tích an toàn với hiệu suất cao, bình quân trên 98%. Giàn đã được Hiệp hội Các nhà thầu khoan quốc tế (IADC) công nhận thành tích vận hành 12 năm Zero LTI không để xảy ra tai nạn gây mất thời gian lao động.

Chuyên đề