Đấu thầu thuốc Generic tại Phú Thọ: Trượt vì thiếu... nước

(BĐT) - Liên quan đến Gói thầu thuốc Generic tại Phú Thọ có 2 kết quả lựa chọn nhà thầu được Báo Đấu thầu phản ánh trên số báo 25 ra ngày 14/2/2017, Bên mời thầu (Sở Y tế Phú Thọ) đã có văn bản trả lời Nhà thầu Đức Tâm về lý do trượt thầu của nhà thầu này.
Nhà thầu cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế để tham vấn về sự giống/khác nhau về mặt dược học giữa bột thuốc pha hỗn dịch và hỗn dịch. Ảnh: Tường Lâm
Nhà thầu cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế để tham vấn về sự giống/khác nhau về mặt dược học giữa bột thuốc pha hỗn dịch và hỗn dịch. Ảnh: Tường Lâm

Bị gạch tên vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật

Khi tham gia đấu thầu Gói thầu số 01: Gói thầu thuốc Generic (Gói thầu Generic) thuộc Dự án Mua sắm thuốc năm 2017 - 2018 cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhà thầu là Công ty TNHH Đức Tâm (Nhà thầu Đức Tâm) đã gặp phải trường hợp 2 lần nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này với 2 kết quả khác nhau. Khác với thông báo lần 1, trong lần nhận văn bản chính thức (lần 2), nhà thầu này đã không còn tên trong Danh sách các nhà thầu xếp hạng thứ nhất đối với mặt hàng thuốc 233 (thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ em).

Sở Y tế Phú Thọ mới đây đã có văn bản trả lời Nhà thầu Đức Tâm về việc làm rõ kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Generic. Theo đó, Bên mời thầu (BMT) thừa nhận việc cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã gửi nhầm văn bản đính kèm (được soạn thảo trên phần mềm excel). Vì có sự sai khác với nội dung văn bản đã phát hành nên Sở Y tế Phú Thọ đã gửi bản scan đầy đủ văn bản trên để khắc phục ngay sau khi việc nhầm lẫn được phát hiện.

Về kết quả lựa chọn nhà thầu đối với mặt hàng thuốc 233, BMT cho biết, căn cứ Báo cáo của Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ đề xuất (HSĐX) kỹ thuật của Gói thầu Generic, mặt hàng thuốc do Nhà thầu chào thầu được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Lý do được BMT chỉ rõ, trong HSMT, mặt hàng 233 có tên hoạt chất là Sulfamethoxarol + Trimethoprim với nồng độ, hàm lượng 200mg/5ml + 40mg/5ml được quy định dưới đường dùng/dạng bào chế là “Uống, hỗn dịch uống”. Tuy nhiên, mặt hàng chào thầu của nhà thầu là dạng bột nên đã không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. “Việc đánh giá này là phù hợp với nội dung quy định tại HSMT” – bên mời thầu khẳng định. 

Cần ý kiến chuyên gia

Theo phản hồi của Nhà thầu Đức Tâm, trong HSĐX của nhà thầu này đã chào thuốc “Dutased” của Công ty CP dược VTYT Thanh Hóa với thành phần Sulfamethoxarol + Trimethoprim có nồng độ/hàm lượng 200mg/5ml + 40mg/5ml, có quy cách, dạng bào chế, đường dùng là lọ 20g bột thuốc pha 50ml hỗn dịch, uống. Trên cơ sở đó, Nhà thầu Đức Tâm cho rằng mặt hàng thuốc được chào thầu hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của HSMT. “Về mặt dược học, bột pha hỗn dịch và hỗn dịch uống đối với mặt hàng thuốc này là có công dụng như nhau” – đại diện nhà thầu Đức Tâm chia sẻ với Báo Đấu thầu.

Đối với phản hồi của BMT, Nhà thầu Đức Tâm cho biết, họ sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý Dược Việt Nam – Bộ Y tế để tham vấn chuyên gia về sự “giống nhau và khác biệt” về mặt dược học đối với bột thuốc pha hỗn dịch và hỗn dịch.

Trước khi nhận được tham vấn chuyên gia từ Cục Quản lý Dược đối với vấn đề này, phóng viên Báo Đấu thầu đã trao đổi với một số chuyên gia dược học về “bột thuốc pha hỗn dịch” và “hỗn dịch”.

Theo một dược sĩ thuộc Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), về chuyên môn dược, hỗn dịch là chất tan ở dạng phân tử phân tán trong chất lỏng (dung môi); dung dịch là dạng chất pha hòa tan hoàn toàn trong dung môi; còn bột thuốc pha hỗn dịch là dạng có thể pha thành hỗn dịch. “Nếu xét về tổng quát thì hỗn dịch hoặc bột pha hỗn dịch khi uống là như nhau nhưng việc bảo quản đối với sản phẩm dược dạng bột pha sẽ lưu kho tốt hơn ở dạng hỗn dịch pha sẵn”.

Cũng đồng quan điểm trên, một giảng viên bộ môn Bào chế khoa Dược, ĐH Y dược TP.HCM cho rằng, nếu xét ở dạng tổng quát thì bột thuốc pha hỗn dịch và hỗn dịch có thể thay thế cho nhau nếu công thức chi tiết của sản phẩm thuốc có sự tương đồng. Giảng viên này cũng phân tích rằng, việc bảo quản sản phẩm đối với dạng bột pha hỗn dịch sẽ có nhiều ưu thế hơn bởi khi sử dụng mới phải pha sản phẩm thành hỗn dịch do đó sẽ không chịu sự ảnh hưởng nhiều của môi trường nước trong quá trình bảo quản trong thời gian dài.

Cũng từng tham gia trong Hội đồng chấm thầu một số gói thầu Generic của Bệnh viện Nhi đồng 1, dược sĩ khoa Dược nêu trên cho biết, chưa gặp trường hợp nhà thầu nào tham gia Gói thầu Generic chào thầu như vậy. Song, khi phát sinh tình huống trong đấu thầu như trường hợp này, trong hội đồng chấm thầu có thể có nhiều ý kiến khác nhau nên sẽ khó để nhận định được nhà thầu “đáp ứng” hay “không đáp ứng” tiêu chí kỹ thuật này. “Đối với việc này, Tổ chuyên gia chấm thầu sẽ phải thống nhất ý kiến chung, trình bên mời thầu/chủ đầu tư có ý kiến xử lý tình huống và có quyết định cuối cùng”, vị chuyên gia tư vấn.

Chuyên đề