Đấu thầu tại Sở GD&ĐT Bến Tre: Cố tình bắt bẻ nhà thầu?

(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa nhận được Văn bản nêu tình huống đối với Gói thầu Mua sắm thiết bị giáo dục do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bến Tre mời thầu. Đây là lần thứ hai nhà thầu có văn bản gửi Báo Đấu thầu, lộ ra nhiều tình tiết bất ngờ xung quanh yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT) của Chủ đầu tư.
Chuyên gia cho rằng không thể vì một yêu cầu không có trong HSMT mà kéo dài thời gian đánh giá HSDT. Ảnh: Nhã Chi
Chuyên gia cho rằng không thể vì một yêu cầu không có trong HSMT mà kéo dài thời gian đánh giá HSDT. Ảnh: Nhã Chi

Từ hoang mang đến kêu cứu

Văn bản của Nhà thầu PT gửi đến Báo Đấu thầu và các bên liên quan cho biết, theo yêu cầu của Chủ đầu tư, Nhà thầu đã hoàn tất các thủ tục làm rõ HSDT và thậm chí đối chiếu bản gốc HSDT. “Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau khi bổ sung tài liệu làm rõ HSDT, Tổ trưởng Tổ thẩm định yêu cầu chúng tôi mang bản gốc giấy phép bán hàng của nhà sản xuất để mang sang cơ quan công an tỉnh Bến Tre xác minh tính thật giả của con dấu. Chúng tôi có làm văn bản đề xuất cùng được ký vào đơn yêu cầu công an xác minh tính thật giả của con dấu trong giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Tuy nhiên, yêu cầu của chúng tôi không được đại diện chủ đầu tư trả lời” - Văn bản của nhà thầu nêu rõ.

“Cho đến hôm nay, tính từ thời điểm đóng thầu đã là hơn 60 ngày nhưng chúng tôi vẫn không nhận được thông báo chính thức của Chủ đầu tư về kết quả đánh giá HSDT. Chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn, không biết đại diện Chủ đầu tư có cố tình đánh giá HSDT của chúng tôi không đạt, thông qua những tiêu chí không có trong HSMT như giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hay không?” - Nhà thầu PT đặt câu hỏi. Mối quan tâm của nhà thầu này là, Tổ trưởng Tổ thẩm định đã đưa hồ sơ của Nhà thầu sang cơ quan công an tỉnh Bến Tre để xác minh tính thật giả của con dấu, nhưng đến nay không công bố kết luận. Nếu việc nghi ngờ tính thật giả về con dấu của nhà thầu không có kết luận chính thức từ bên mời thầu, từ cơ quan thứ ba, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của nhà thầu.

Nhà thầu cho rằng, theo quy định của Luật Đấu thầu, việc đánh giá HSDT phải tuân thủ theo yêu cầu của HSMT, tất cả những tiêu chí không nêu trong HSMT sẽ không đánh giá, không thể vin vào đó mà loại nhà thầu. Nhà thầu PT thông qua văn bản này mong các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại Bến Tre sớm vào cuộc tìm hiểu thực tế quy trình đánh giá HSDT của gói thầu này, để trả lại tính công bằng và cạnh tranh trong đấu thầu trước khi đại diện chủ đầu tư đánh giá loại HSDT của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu quen thuộc. 

Hoàn toàn không có trong HSMT

“Chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn, không biết đại diện Chủ đầu tư có cố tình đánh giá HSDT của chúng tôi không đạt, thông qua những tiêu chí không có trong HSMT như giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hay không?” Nhà thầu PT đặt câu hỏi.
Theo tài liệu nhà thầu cung cấp, HSMT của 2 gói thầu mà Nhà thầu PT đề cập đều không có yêu cầu nào về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất. Tư vấn lập HSMT đã thực hiện đúng mẫu theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Thậm chí, về yêu cầu giấy phép bán hàng, Tư vấn đã gửi văn bản đến Cục Quản lý đấu thầu để từ đó không đưa vào HSMT.

Cụ thể, tài liệu chứng minh về tính hợp lệ của hàng hóa của 2 gói thầu mua sắm thiết bị cho Trường THPT An Qui và Trường THPT Chợ Lách A thể hiện như sau: Đối với máy vi tính: Máy tính thương hiệu Việt Nam được sản xuất đạt ít nhất một trong các chuẩn quản lý chất lượng, môi trường cho hoạt động sản xuất phần cứng, điện tử: TCVN ISO 9001:2008, TCVN ISO 14001:2004; Đối với phòng LAB: giấy chứng nhận ISO 9001:2008, Cam kết cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy chứng nhận chất lượng (CQ); Cam kết cung cấp giấy chứng nhận xuất xưởng hàng hóa của nhà sản xuất.

Trong Bảng dữ liệu có nêu trường hợp nhà thầu phát hiện HSDT của mình thiếu các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm (trong đó bao gồm cả giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương, nếu HSMT có quy định) thì nhà thầu được phép gửi tài liệu đến Bên mời thầu để làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu làm rõ về tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm được coi như một phần của HSDT. Theo các chuyên gia về đấu thầu, mọi đánh giá HSDT đều phải dựa vào quy định đã nêu trong HSMT. Nếu HSMT  không có quy định trong trường hợp này, yêu cầu của Tổ thẩm định đối với Nhà thầu là không thỏa đáng.

Bên cạnh đó, đại diện Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu cho biết, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa (TT05) cũng quy định cụ thể tại Điều 6: Hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. “Nếu HSMT đã tuân thủ đúng tinh thần của TT05, Nhà thầu PT hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu bổ sung làm rõ HSDT về giấy phép bán hàng của bên mời thầu. Trong trường hợp nhà thầu đã tích cực hợp tác, cung cấp đầy đủ tài liệu, bên mời thầu cần có những bước đánh giá thực sự khách quan, trung thực và đảm bảo tính công bằng. Không thể vì một nội dung không có trong HSMT mà liên tục gây khó dễ, bắt bẻ nhà thầu. Đồng thời, cũng không thể vì một lý do ngoài HSMT mà kéo dài thời gian đánh giá HSDT, tài liệu chứng minh của nhà thầu, dẫn đến những đánh giá không thực sự chính xác đối với các gói thầu” - đại diện Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu khẳng định.

Chuyên đề