Đấu thầu tại Ban Dân tộc tỉnh Sơn La: Vì sao nhà thầu liên tiếp kiến nghị?

(BĐT) - Sau 2 lần kiến nghị nhưng không được Chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh Sơn La giải quyết “thấu tình đạt lý”, mới đây, nhà thầu lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới cấp có thẩm quyền vì không đồng tình với kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của Gói thầu số 02 Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018.
Đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 02 Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018
Đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 02 Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018

HSMT cài cắm điều kiện riêng?

Như Báo Đấu thầu đã thông tin, Gói thầu do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư trực tiếp mời thầu. Tại trang 32 của hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự với tính chất tương tự là các hợp đồng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135.

Sau khi mua HSMT, một số nhà thầu đã có đơn kiến nghị đề nghị bỏ yêu cầu nêu trên vì yêu cầu này vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (K2 Đ12 NĐ63), nhưng Chủ đầu tư không chấp thuận.

Quy định tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự được thực hiện theo hướng dẫn tại ghi chú (7) Khoản 2.1 Mục 2 Chương III của Mẫu HSMT dịch vụ phi tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT. Theo đó, hợp đồng tương tự là hợp đồng có tính chất tương tự với gói thầu đang xét, có giá hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá của gói thầu đang xét. Việc chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra quy định trong HSMT dẫn đến hạn chế nhà thầu tham gia là vi phạm quy định tại K2 Đ12 NĐ63: “HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Ngày 13/9/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của nhà thầu và phản ánh của Báo, ngày 5/9/2018, Sở đã  có văn bản tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo Ban Dân tộc Tỉnh khẩn trương nghiên cứu quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành, có văn bản trả lời nhà thầu kiến nghị. Hiện tại, Chủ đầu tư đã có văn bản báo cáo về quá trình lựa chọn nhà thầu  và văn bản trả lời kiến nghị. Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La cũng đang nghiên cứu văn bản báo cáo của Chủ đầu tư để có hướng xử lý tiếp theo. 

Loại nhà thầu vì quy định trái luật

Một nhà thầu trong cuộc cho biết, các hợp đồng tương tự mà họ cung cấp trong HSDT đều đáp ứng về quy mô và tính chất tương tự cụ thể với gói thầu đang xét (đều có các hạng mục cơ bản như đúng yêu cầu của HSMT gồm: bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, phát các khoản hỗ trợ cho học viên). Chủ đầu tư viện dẫn lý do Nhà thầu không có hợp đồng tương tự thuộc Chương trình 135 là không phù hợp với pháp luật về đấu thầu. Theo dõi các chương trình tổ chức đào tạo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có thể thấy, không có nhiều gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 có quy mô trên 4 tỷ đồng như yêu cầu của HSMT.

Nhà thầu kiến nghị cũng cho rằng, việc Chủ đầu tư loại nhà thầu này là để tạo lợi thế cho Công ty CP Pro Phương Nam trúng thầu. Đáng chú ý, giá trúng thầu của Công ty CP Pro Phương Nam là 6.643 triệu đồng, giảm 0,4% so với giá gói thầu, cao hơn gần 1 tỷ đồng so với giá dự thầu của Nhà thầu kiến nghị.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, cán bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình 135 cho biết, trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện các gói thầu thuộc Chương trình 135 tại Sơn La thì Ban Dân tộc tỉnh Sơn La và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan của Sơn La sẽ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện gói thầu; đồng thời có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của nhà thầu, giải trình với dư luận và cơ quan điều phối về những vấn đề liên quan.

Về câu chuyện này, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc phê duyệt HSMT với những tiêu chí trái với quy định của pháp luật về đấu thầu thuộc về trách nhiệm của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La (Chủ đầu tư). Trong trường hợp này, việc đưa ra các tiêu chí mời thầu sai quy định không những hạn chế nhà thầu tham dự mà còn có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, vụ việc cần có sự vào cuộc thực sự của Sở KH&ĐT Sơn La và UBND tỉnh Sơn La để phân định rõ ràng đúng, sai; đem lại niềm tin cho các nhà thầu.

Chuyên đề