Đấu thầu minh bạch để tiết kiệm nguồn lực công

(BĐT) - Bối cảnh nguồn lực công đang hết sức eo hẹp và khó khăn như hiện nay càng đòi hỏi phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả từng đồng vốn ngân sách. Tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng được các chuyên gia và nhà quản lý đánh giá là giải pháp thiết thực để tiết kiệm nguồn lực công.
Đấu thầu qua mạng sẽ giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa đối tượng tham gia đấu thầu với người giải quyết công việc, do đó sẽ giảm tiêu cực trong đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang
Đấu thầu qua mạng sẽ giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa đối tượng tham gia đấu thầu với người giải quyết công việc, do đó sẽ giảm tiêu cực trong đấu thầu. Ảnh: Tiên Giang

Đấu thầu vẫn còn hình thức

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công hiện nay là rất lớn. Chúng ta ai cũng biết điều đó nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. Việc đấu thầu hiện nay vẫn còn hình thức, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” còn phổ biến, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. “Muốn có tiền để chi cho đầu tư phát triển thì phải có biện pháp kiểm soát, tiết kiệm đầu tư công, không để xảy ra tình trạng thất thoát ngân sách. Đấu thầu nếu được làm chặt, làm tốt có thể tiết kiệm được 10 - 15% giá thành công trình. Đây là nguồn lực không nhỏ bổ sung cho đầu tư công” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cấp trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phải sớm có biện pháp đưa Luật Đấu thầu 2013 vào cuộc sống, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cũng như cơ hội tham gia của các doanh nghiệp trong mua sắm công để tiết kiệm ngân sách. Thủ tướng cho rằng, hiện nay giá thuốc Việt Nam quá đắt, thiết bị y tế cũng vậy. Điều này đòi hỏi phải chấn chỉnh công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, tăng cường áp dụng mua sắm công tập trung để hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm tiêu dùng.

Phải tăng cường đấu thầu qua mạng

Nhấn mạnh tại Buổi làm việc với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đấu thầu qua mạng sẽ giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa đối tượng tham gia đấu thầu với người giải quyết công việc, như vậy sẽ giảm tiêu cực trong đấu thầu. Thủ tướng yêu cầu, Bộ KH&ĐT với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp, cấp quản lý nhà nước cao nhất về đấu thầu nghiên cứu để triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm công tập trung quốc gia theo hình thức đấu thầu qua mạng. 

Để “tạo đà” cho việc triển khai, áp dụng đấu thầu qua mạng trên cả nước, trước năm 2016, Bộ KH&ĐT đã có chính sách khuyến khích, đào tạo, tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương kỹ năng, kiến thức để thực hiện đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, báo cáo về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2015 của nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn cho thấy tình trạng “né” triển khai thực hiện áp dụng đấu thầu qua mạng với rất nhiều lý do.

Mặc dù đấu thầu qua mạng có rất nhiều lợi ích nhưng trên thực tế không phải chủ đầu tư/bên mời thầu nào cũng “sẵn lòng” thực hiện, cho dù họ có đủ điều kiện để triển khai. Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT Lê Văn Tăng từng phân tích, khi triển khai đấu thầu qua mạng, nhà thầu và chủ đầu tư không cần phải “biết mặt nhau” vì không có lý do gì để tiếp xúc với nhau suốt quá trình đấu thầu. Nếu những chủ đầu tư nào vẫn quen với cách đấu thầu truyền thống, không chịu thay đổi tư duy thì khi không được “gặp mặt”, nhà thầu sẽ cảm thấy “bâng khuâng”, “hụt hẫng”.

Chuyên đề