Đấu thầu dự án BT, BOT: Những cuộc đua độc mã

(BĐT) - Rất nhiều dự án PPP, đặc biệt là các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT dù tổ chức sơ tuyển rộng rãi, nhưng chỉ nhận được sự quan tâm của 1 nhà đầu tư, phần lớn chính là nhà đầu tư đề xuất dự án, và rồi phải chỉ định. 
Công ty CP Bid Group là nhà đầu tư duy nhất lọt vào danh sách ngắn Dự án BT Đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình
Công ty CP Bid Group là nhà đầu tư duy nhất lọt vào danh sách ngắn Dự án BT Đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình

Sự thờ ơ khó hiểu của các nhà đầu tư là câu hỏi lớn, vì dự án BOT, BT trong mắt nhiều doanh nghiệp vẫn là cơ hội để có được những khu đất đắc địa hay những cơ hội đổi đời.

Một mình một sân

Thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu trong vòng 1 năm qua cho thấy, có rất nhiều dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT và BOT dù tổ chức sơ tuyển rộng rãi nhưng chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trúng sơ tuyển và sau đó được chỉ định thực hiện dự án. 

Trong những ngày cuối năm 2016, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) đã cùng lúc trúng sơ tuyển một loạt 9 dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng. 9 dự án này thuộc Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên, do Ban Quản lý dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên làm bên mời thầu. Theo tìm hiểu, liên danh này là nhà đầu tư duy nhất tham gia Dự án và vượt qua sơ tuyển.

Tại Thái Bình, Liên danh Công ty Quảng Lợi - Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng - Công ty CP Xuất nhập khẩu miền Bắc - Công ty CP Kết cấu K2T - Công ty CP 27-7 Thanh Xuân cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất tham gia và trúng sơ tuyển tại 2 dự án nghìn tỷ, gồm Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ Quốc lộ 10 đến sông Trà Lý và cầu vượt sông Trà Lý theo hợp đồng BOT và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ sông Trà Lý đến đường Thái Bình - Hà Nam theo hợp đồng BT. Tổng mức đầu tư mỗi dự án khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cũng tại Thái Bình, Công ty CP Bid Group là cái tên duy nhất lọt vào danh sách ngắn của Dự án BT Đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng, phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình.

Dự án Đầu tư xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước theo hình thức BOT giai đoạn I mà Báo Đấu thầu đã phản ánh về việc khởi công trước khi lựa chọn được nhà đầu tư thực tế cũng chỉ là cuộc đua độc mã của Công ty CP BOT đường Đồng Phú - Bình Dương, khi đây là nhà đầu tư duy nhất tham gia sơ tuyển, trúng sơ tuyển và được chỉ định. 

Rất nhiều dự án khác cũng chung kịch bản này, như Dự án Đầu tư cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An theo hình thức BT hiện là cuộc đua của mình Cienco 4; một số dự án BT tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nhà đầu tư duy nhất tham gia là Công ty CP Thủy sản khu vực 1;… 

Giải mã sự thờ ơ của nhà đầu tư

“Chúng tôi đã sơ tuyển rộng rãi rồi, chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nên phải chỉ định”, đó là lý do mà phóng viên Báo Đấu thầu nhận được từ bên mời thầu trong hầu hết các trường hợp chỉ định nhà đầu tư dự án PPP, chủ yếu là BT, thời gian gần đây.

Phải chăng các dự án BT, BOT đang quá ế ẩm và những cuộc chỉ định này là bất đắc dĩ, là ngoài mong muốn? Phải chăng không có nhà đầu tư nào mặn mà với những quỹ đất đắc địa tại nhiều thành phố lớn? Trong khi, đa phần những dự án mà chúng tôi dẫn ra ở trên là do chính nhà đầu tư đề xuất dự án và chắc chắn nhà đầu tư sẽ không đề xuất những dự án mà bản thân họ không nhìn thấy lợi nhuận.

Dường như có mâu thuẫn khi các nhà đầu tư vẫn tự đề xuất các dự án BT để được đổi lại những khu đất đẹp, nghĩa là các dự án này vẫn hấp dẫn doanh nghiệp. Quy luật thị trường, khi nhìn thấy lợi nhuận, doanh nghiệp tự khắc cạnh tranh, vậy tại sao khi dự án đem ra mời gọi, đấu thầu lại chỉ nhận được sự thờ ơ của các nhà đầu tư khác?

Chúng tôi đã đem câu hỏi này đặt ra với nhiều doanh nghiệp bất động sản và câu trả lời là “đất đẹp, giá thấp, doanh nghiệp bất động sản nào không quan tâm, nhưng có muốn tham gia cũng không được”. Nhà đầu tư khi nhìn thấy rủi ro quá lớn thì không dại gì mất thời gian, tiền bạc để chuẩn bị cho cuộc đua mà mình cầm chắc phần thua.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, chuyên gia tư vấn độc lập về tài chính công, lý giải, nguyên nhân chính là ở “đầu bài thi” – hồ sơ mời sơ tuyển, hoặc là đã được đo ni đóng sẵn cho 1 nhà đầu tư; hoặc là quá thiếu thông tin để nhà đầu tư khác có thể quan tâm. Bà Hà khuyến nghị, quan trọng nhất là lập báo cáo nghiên cứu khả thi đảm bảo chất lượng, cần thiết phải tổ chức tham vấn, tìm hiểu nhiều nhà đầu tư trước khi ra “đầu bài”, nếu không đủ năng lực thì phải thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi do nhà đầu tư lập.

Theo bà Hà, quy định của pháp luật đã rõ ràng, vấn đề thiết yếu là người thực hiện có muốn đấu thầu thực sự hay không.  

Chuyên đề