Đấu thầu dịch vụ công ích: Tỷ lệ tiết kiệm lên đến 70%

(BĐT) - Những con số tiết kiệm từ việc đấu thầu dịch vụ công ích đã khiến nhiều người, trong đó có các chủ đầu tư, phải bất ngờ và hãnh diện. Thực tiễn triển khai một số gói thầu hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh cho thấy hiệu quả lớn khi áp dụng Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp các dịch vụ này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Tuổi trẻ

Tiết kiệm lớn cho ngân sách

Ngày 18/11/2016, trao đổi với Báo Đấu thầu, Phòng Quản lý đô thị huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, tỷ lệ tiết kiệm từ đấu thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích của đơn vị này luôn đạt trên 60%. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Vạn Ninh, Dự án Dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn huyện Vạn Ninh gồm nhiều gói thầu, trong đó có Gói thầu Duy trì hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Gói thầu này có giá 4.091.748.000 đồng, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước. Nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình VN11 đã trúng thầu với giá 1.541.000.000 đồng. Như vậy, thông qua đấu thầu rộng rãi gói thầu này, huyện Vạn Ninh đã tiết kiệm được hơn 2,5 tỷ đồng, gần 70% giá gói thầu.

Theo Bên mời thầu, đã có 4 nhà thầu tham gia mua hồ sơ mời thầu gói thầu nêu trên và 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Nhà thầu trúng thầu đã bỏ giá thấp hơn hẳn những nhà thầu khác (hơn 2 tỷ đồng), tạo ra cách biệt lớn trong giá dự thầu. Cũng trong năm 2016, tại Gói thầu Dịch vụ duy trì cây xanh tại huyện Vạn Ninh có giá trị hơn 4 tỷ đồng và nhà thầu trúng thầu với giá 1,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm trên 60%. “Trước năm 2016, chúng tôi chủ yếu lựa chọn phương án đặt hàng cung cấp dịch vụ công ích. Từ năm 2016, chúng tôi áp dụng Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu và nhận thấy hiệu quả đem lại rất lớn. Đầu tiên phải kể đến là việc tổ chức đấu thầu giúp bên mời thầu có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm. Điều quan trọng nữa là qua đấu thầu, địa phương đã tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách chi cho dịch vụ công ích. Điều này không thể nào có được khi áp dụng phương thức đặt hàng truyền thống” - đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Vạn Ninh chia sẻ.

UBND thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết cũng đã tổ chức đấu thầu thu gom rác thải trên địa bàn. Theo đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang trúng thầu với giá là 10,07 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị gói thầu là 14,9 tỷ đồng, giúp tiết kiệm được 33% kinh phí. Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ đô thị An Phong - Công ty TNHH Công trình đô thị Phan Thiết trúng thầu Gói thầu Dịch vụ chăm sóc cây xanh với giá 13,9 tỷ đồng, trong khi giá gói thầu là 19,8 tỷ đồng, giúp tiết kiệm 30% kinh phí cho ngân sách.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) nhận định, so với đặt hàng như trước đây, đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ chăm sóc cây xanh được đơn vị này kỳ vọng rất nhiều vì có tính cạnh tranh, hiệu quả. Khi tổ chức đấu thầu, các nhà thầu sẽ dần thích nghi với việc cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa trong việc đi đấu thầu, lập hồ sơ dự thầu… 

TP.HCM sẽ đẩy mạnh áp dụng đấu thầu dịch vụ công ích

Cần tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào dịch vụ công ích bằng nhiều hình thức. Đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu, huy động tư nhân tham gia theo mô hình PPP sẽ giúp giảm gánh nặng chi ngân sách cho dịch vụ công ích đô thị rất lớn
UBND TP.HCM mới đây đã chấp thuận chủ trương tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn trên đường phố và thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển, nhà máy xử lý và từ trạm trung chuyển về nhà máy xử lý; ưu tiên triển khai đấu thầu trong năm 2017 đối với các quận, huyện đã được phân cấp quản lý công tác này. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa hoàn thiện Đề án Đấu thầu, trong đó xác định lộ trình triển khai, hình thức đấu thầu, thời gian thực hiện gói thầu (3 - 5 năm); trình UBND Thành phố phê duyệt trong quý I/2017. Theo các nhà thầu, khi đi vào triển khai, đây sẽ là thị trường sôi động nhất, cạnh tranh nhất cho các nhà thầu cung cấp dịch vụ công ích.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố được tổ chức thực hiện và quản lý thí điểm ở các quận Tân Phú, Bình Tân và nhận thấy có nhiều hiệu quả, giúp tiết kiệm ngân sách lớn. Cụ thể, tại quận Bình Tân, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 48% (của 2 lần đấu thầu); tại Tân Phú, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 11% (của 3 lần đấu thầu). Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn, các quận, huyện hoàn thiện Đề án Đấu thầu, xác định lại lộ trình triển khai, hình thức đấu thầu, thời gian thực hiện các gói thầu, đồng thời công bố rộng rãi thông tin đến các nhà thầu quan tâm để tham gia đấu thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, phương thức giao kế hoạch và đặt hàng hiện không còn phù hợp, do chưa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời chưa tạo ra động lực để các doanh nghiệp tham gia tăng cường nhân lực, công nghệ nhằm tiết giảm chi phí cho các dịch vụ công ích. Trong khi đó, quy định phải đấu thầu dịch vụ này lại giúp nâng cao tính cạnh tranh, giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng. “Tôi cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào dịch vụ công ích bằng nhiều hình thức: Đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu, huy động tư nhân tham gia theo mô hình PPP sẽ giúp giảm gánh nặng chi ngân sách cho dịch vụ công ích đô thị rất lớn”, ông Liêm chia sẻ.

Chuyên đề