Đấu thầu để minh bạch nguồn trợ giá xe bus

(BĐT) - Sau hơn 10 năm triển khai đồng bộ hình thức vận tải hành khách công cộng bằng xe bus tại TP.HCM, kinh phí trợ giá cho lĩnh vực này đang thực sự trở thành gánh nặng. Muốn minh bạch và hiệu quả trong trợ giá, các chuyên gia cho rằng yêu cầu bắt buộc là phải đấu thầu quyền khai thác các tuyến xe bus.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trợ giá có công bằng cho các DN vận tải?

Hội nghị “Đánh giá hiệu quả trợ giá xe bus, đề xuất các giải pháp thực hiện hoàn thành chỉ tiêu khối lượng và dự kiến lộ trình trợ giá cho hoạt động xe bus đến năm 2020” do Sở GTVT TP.HCM tổ chức ngày 8/4 đã ghi nhận những ý kiến đề nghị phải quyết liệt đấu thầu đồng bộ các tuyến trợ giá để nguồn ngân sách cho vận tải hành khách công cộng thực sự phát huy hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, trợ giá đang được thực hiện bằng việc chính quyền tài trợ ngân sách nhằm hỗ trợ các khoản lỗ trong kinh doanh của đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng hỗ trợ cho vay ưu đãi – giúp đơn vị cung ứng dịch vụ mua sắm, đầu tư phương tiện vận tải mới.

Theo Sở GTVT TP.HCM, có đến 46,5% hệ thống vận tải hành khách công cộng có sử dụng trợ giá. Từ năm 2002, chương trình xe bus có trợ giá đã ra đời với 32 DN và đến 2015 chỉ còn 15 DN. Từ 2009 đến nay, Sở GTVT đã tổ chức đấu thầu khai thác trên 11 tuyến có trợ giá, trong đó chỉ có 6 tuyến có đơn vị trúng thầu, 5 tuyến còn lại đã mở thầu 2 lần nhưng không chọn được nhà thầu. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hồ sơ mời thầu (HSMT) của các gói thầu khai thác tuyến xe bus chưa thực sự hấp dẫn nhà thầu do chưa đánh giá hết các chi phí.

Theo đánh giá của Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, mức trợ giá cho xe bus tăng 32,93 lần (39,18 tỷ đồng năm 2002 lên 1.290,21 tỷ đồng năm 2012), nếu loại bỏ yếu tố trượt giá tăng 18,5 lần; Trợ giá bình quân cho một hành khách (HK) tăng gần 2 lần, từ 2.124 đồng/HK năm 2002 lên 4.224 đồng/HK năm 2012 (không tăng khi loại trượt giá). Kết quả này cho thấy, phần trợ cấp xe bus không phải HK được hưởng lợi toàn bộ mà DN cũng được hưởng lợi để bù đắp chi phí cao (trợ cấp cho HK không tăng, nhưng tổng trợ cấp tăng; Trợ cấp tăng cao hơn mức tăng doanh thu/HK). Nếu vẫn trợ cấp cho DN để bù chi phí cao sẽ không khuyến khích các DN vận tải tiết kiệm chi phí. Chính cách triển khai trợ giá như hiện nay đã dẫn đến tình trạng thiếu công bằng cho các DN vận tải xe bus không được nhận trợ cấp.

Trong một so sánh khác với vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội cho thấy, hơn 10 năm qua, chi phí trợ giá cho xe bus ở Hà Nội chỉ tăng 1%, sản lượng vận tải lại liên tục giữ được mức tăng trưởng ấn tượng.

Phải quyết liệt đấu thầu

Khi bàn đến các giải pháp để sử dụng hiệu quả nhất nguồn ngân sách nhà nước cho phát triển vận tải hành khách công cộng, nhiều chuyên gia kinh tế, giao thông đều có sự thống nhất cao là phải quyết liệt thông qua phương pháp đấu thầu. TS. Dư Phước Tân nhận định, phải bớt phụ thuộc vào ngân sách thì vận tải hành khách công cộng mới phát triển bền vững được. Theo ông Tân, kinh phí trợ giá từ nguồn ngân sách của Thành phố khiến hình thành và duy trì tâm lý ỷ lại của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Do đó, các DN/nhà thầu không có động lực để cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

GS. Nguyễn Thị Cành, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM chia sẻ, nếu sử dụng ngân sách để trợ giá như hiện nay, không thông qua đấu thầu, tức là không kích thích DN tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất để từ đó nâng cao sản lượng vận tải. “Quan điểm về trợ giá xe bus của chúng tôi là phải căn cứ vào kết quả đầu ra, không căn cứ vào đầu vào. Hạn chế dần trợ giá cho DN, ngân sách sẽ được tập trung sử dụng trong phát triển hạ tầng giao thông để tạo tiền đề khai thác vận tải hành khách công cộng đồng bộ. Do đó, việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng là tất yếu”, bà Cành nhận định.

Đấu thầu để minh bạch nguồn trợ giá xe bus ảnh 1
Đấu thầu là yêu cầu bắt buộc

- TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

Muốn minh bạch và hiệu quả trong trợ giá, yêu cầu bắt buộc phải là đấu thầu. Đấu thầu là biện pháp để tăng cạnh tranh về giá, về chất lượng dịch vụ cũng như xây dựng thương hiệu. DN nào muốn trúng thầu, phải giải được bài toán làm thế nào để thu hút đông lượng hành khách tham gia đi xe bus, làm thế nào để tăng sản lượng vận tải hành khách công cộng mà sử dụng đến phần trợ giá thấp nhất. Nguyên tắc đấu thầu là mọi DN/nhà thầu sẽ bình đẳng, có cơ hội cạnh tranh như nhau. Khi các DN được tạo một sân chơi cạnh tranh với nhiều tiêu chí minh bạch và hiệu quả kinh tế của đấu thầu, tự bản thân các DN sẽ biết tính toán tốt nhất bài toán đầu tư - hoàn vốn và sinh lãi.

Đấu thầu để minh bạch nguồn trợ giá xe bus ảnh 2

Cơ chế trợ giá không tạo được sự công bằng

- GS. Nguyễn Thị Cành ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM:

Chi phí trợ giá cho vận tải hành khách công cộng của TP.HCM là không cao. Chưa kể, chính cơ chế trợ giá như hiện nay đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các DN cùng cung cấp dịch vụ này.

Chuyên đề