Đấu thầu để minh bạch dự án nạo vét đường thủy

(BĐT) - Những vụ bê bối trong các dự án nạo vét đường thủy nội địa (ĐTNĐ) gần đây cho thấy sự thiếu vắng quy định về đấu thầu của Bộ Giao thông vận tải đối với loại dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm. 
Việc không áp dụng đấu thầu cạnh tranh tại các dự án nạo vét đã gây nên nhiều hệ lụy. Ảnh: Liên Hoa
Việc không áp dụng đấu thầu cạnh tranh tại các dự án nạo vét đã gây nên nhiều hệ lụy. Ảnh: Liên Hoa

Dư luận cho rằng, đây là một điểm cần khắc phục trong thời gian tới, nếu muốn giải quyết triệt để vấn nạn “cát tặc” núp bóng nhà đầu tư, doanh nghiệp đề xuất dự án.

Bất cập trong quy định

Hoạt động nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm hiện áp dụng quy định tại Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 quy định về nạo vét luồng ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm (TT69).

Theo Bộ GTVT, hiện nay có 66 dự án nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến ĐTNĐ quốc gia. Trong đó, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, bàn giao. Từ cuối năm 2015 đến nay, Cục ĐTNĐ đã chấm dứt 22 dự án do năng lực của nhà đầu tư hạn chế, chậm triển khai dự án, không hoàn thành thủ tục để thi công theo quy định. Một kết luận thanh tra của Bộ vào cuối năm 2016 cho biết, trong số các dự án đã được cấp phép, số dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt lên đến 47 dự án.

Thực tế cho thấy, việc không áp dụng đấu thầu cạnh tranh tại các dự án nạo vét đã gây nên nhiều hệ lụy, trong đó đáng chú ý là nguy cơ thất thoát tài nguyên của Nhà nước. Cục trưởng Cục ĐTNĐ mới đây cho rằng, lý do không đấu thầu các dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm trong thời gian qua là vì chưa có quy định về đấu thầu và chưa có kinh phí để lập dự án đấu thầu.

Gói thầu nạo vét tiết kiệm trên 10% thông qua đấu thầu

Về các dự án nạo vét đường thủy thực hiện thông qua đấu thầu, thống kê từ dữ liệu mà các chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp cho Báo Đấu thầu và trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, riêng các dự án do Ban Quản lý dự án ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam làm bên mời thầu, có 7 gói thầu nạo vét đảm bảo giao thông ĐTNĐ, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ĐTNĐ năm 2016 được đấu thầu rộng rãi. Thông qua đấu thầu, có những gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm tương đối ấn tượng. Đơn cử, Gói thầu Nạo vét đảm bảo giao thông kênh Rạch Giá - Hà Tiên từ Km38+000 đến Km46+000 do Công ty TNHH XD và MT Tường Vi trúng thầu, với giá trúng thầu là 9,87 tỷ đồng (giá gói thầu 11 tỷ đồng), đạt tiết kiệm 10,27%.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, Thông tư quy định về nạo vét luồng ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng ngân sách nhà nước và không điều chỉnh đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là TT69 đã không đề ra quy định đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. TT69 chỉ quy định nhà đầu tư đăng ký lập dự án, lên phương án tận thu sản phẩm và đăng ký với địa phương. Cục ĐTNĐ chấm điểm lựa chọn nhà đầu tư theo thang điểm do cơ quan này đặt ra và không công khai. Và với cách làm như hiện nay, rất khó kiểm soát một cách rõ ràng, tách bạch giữa “tận thu sản phẩm” hay “khai thác tài nguyên”. Cách làm này cũng rất dễ biến dự án khai thác khoáng sản thành dự án tận thu vì cứ theo đề xuất của nhà đầu tư mà thiếu cơ chế đánh giá, giám sát chặt chẽ. 

Đấu thầu để minh bạch và tăng hiệu quả

Theo Bộ GTVT, hiện Bộ này đang quản lý, khai thác 137 tuyến ĐTNĐ quốc gia với chiều dài 7.071,8 km. Do nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế nên hàng năm chỉ có thể bố trí được khoảng từ 50 - 100 tỷ đồng để nạo vét duy tu một số đoạn tuyến ĐTNĐ quốc gia để đảm bảo chuẩn tắc tại một số tuyến vận tải đường thủy quan trọng, huyết mạch và liên vùng. Khó khăn về vốn là một trong những lý do khiến thời gian qua nhiều dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm được triển khai để giảm áp lực đối với nguồn ngân sách.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách làm được ví như “hình thức BT dưới nước” tại các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm như thời gian qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy, và để chấn chỉnh tình trạng này, hiện Bộ GTVT đã quyết định tạm dừng cấp mới dự án xã hội hóa nạo vét tận thu tới khi hoàn thiện các thể chế, chính sách. Đồng thời, Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, ĐTNĐ quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Việc tạm dừng nhiều dự án khai thác cát thời gian qua cũng dẫn đến những phản ứng trên thị trường vật liệu xây dựng, trong đó đáng chú ý là giá cát “nhảy múa”, tăng chóng mặt tại thị trường TP.HCM mà theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu thì từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2017, giá cát đã tăng gần gấp 3 lần, khiến nhà thầu trở tay không kịp. Do đó, sớm hoàn thiện cơ chế chính sách cho các dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế là rất cần thiết.

Để hoàn thiện các thể chế, chính sách đối với các dự án nạo vét đường thủy sắp tới, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng đấu thầu một cách minh bạch để tăng tính cạnh tranh, hiệu quả và tăng khả năng giám sát trong các dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm là cần thiết. Đây được coi là giải pháp cần thiết để giảm nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản, trong đó đáng chú ý là tài nguyên cát, một loại vật liệu xây dựng mà nhu cầu trong nước trong những năm tới tăng mạnh, trong khi theo Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thì nguồn cát được cấp phép hiện chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn.

Chuyên đề