Đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích, tại sao không?

(BĐT) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích là một bước tiến quan trọng để xóa thế “độc tôn” của doanh nghiệp nhà nước, đưa loại dịch vụ này ra thị trường, minh bạch hóa nguồn vốn và hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ công ích.
So với việc đặt hàng trước đây, qua đấu thầu, chi phí quản lý vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì tiết kiệm 20%
So với việc đặt hàng trước đây, qua đấu thầu, chi phí quản lý vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì tiết kiệm 20%

Minh bạch nguồn vốn

Cùng với những nỗ lực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thay đổi chính sách về cung ứng sản phẩm, dịch vụ công, nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ này đã được đưa ra thị trường, dần mở cửa cho phía tư nhân tham gia thực hiện như: bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa đường bộ, đường thủy, đường sắt; thoát nước, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ; duy tu công viên cây xanh, chiếu sáng công cộng…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, bản chất của cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích là chỉ định thầu, hợp đồng đặt hàng không thể tránh khỏi yếu tố xin - cho, nên tạo ra sự khép kín trong cung ứng dịch vụ công. Còn áp dụng đấu thầu là cả một bước tiến trong cung cấp dịch vụ công, tạo ra cơ chế minh bạch dòng tiền đầu tư, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công. Khi đưa ra đấu thầu thì doanh nghiệp nhà nước không còn vị trí “độc tôn” trong cung ứng dịch vụ công ích như trước đây nữa, người dân sử dụng dịch vụ cũng yên tâm hơn về chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, nhờ đấu thầu lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư cung cấp dịch vụ công ích nên hợp đồng thực hiện cũng chặt chẽ hơn, đơn vị cung cấp phải tăng cường trách nhiệm với nhiệm vụ được giao trên cơ sở những ràng buộc chặt chẽ của hợp đồng (quy định về việc phạt nếu vi phạm thường rất rõ ràng).

Bà Ngô Bích Thủy, Phó Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng cho biết, nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của ngành giao thông vận tải, từ năm 2015, 100% việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ đã được chuyển từ đặt hàng sang đấu thầu. Qua đấu thầu đã cho thấy sự minh bạch, công khai trong công tác lựa chọn đơn vị thực hiện, tạo ra cơ chế giám sát, phản biện của xã hội đối với chất lượng dịch vụ bảo trì đường bộ, công khai năng lực và danh tính của những nhà thầu tham gia vào việc bảo dưỡng đường bộ. Ngoài ra, đấu thầu còn tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước đối với công tác này; giúp cho chất lượng của việc bảo trì đường bộ được tốt hơn, người dân cũng hài lòng hơn.

Tăng chất lượng dịch vụ

Áp dụng đấu thầu là một bước tiến trong cung cấp dịch vụ công, tạo ra cơ chế minh bạch dòng tiền đầu tư, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công. 
Đại diện Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Bắc cũng cho biết, mặc dù nhiều công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích trước đây (nay đã được cổ phần hóa) có những lợi thế nhất định về kinh nghiệm cung ứng dịch vụ công, nhưng khi đưa dịch vụ công ra đấu thầu trên thị trường thì bản thân các doanh nghiệp này cũng phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng, máy móc thiết bị hiện đại thì mới có thể giành được các gói thầu. Theo ông Nguyễn Trung Sỹ, cơ chế đấu thầu sẽ tạo nên tính cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ công, nhờ đó mà chất lượng dịch vụ công sẽ được cải thiện, giá thành dịch vụ giảm xuống và chắc chắn sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng.

Trong những năm qua, Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu trong việc cho tư nhân tham gia vào cung cấp các dịch vụ công ích. Những năm gần đây, hàng loạt nhà máy xử lý nước thải, các gói thầu chăm sóc cây xanh, duy tu thảm cỏ, công viên của Hà Nội… đã được đưa ra đấu thầu. Giá cung ứng của những dịch vụ công ích này đã được giảm xuống, trong khi chất lượng dịch vụ được đánh giá là tốt hơn. Điển hình là câu chuyện quản lý vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì. Nhà máy xử lý nước thải này được đưa vào vận hành năm 2009, từ đó đến đầu năm 2015, công tác quản lý vận hành xử lý nước thải tại Nhà máy được thực hiện bằng cơ chế đặt hàng cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Đầu năm 2015, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí, thực hiện theo đúng các quy định mới của Nhà nước về lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công ích, thành phố Hà Nội đã thực hiện đấu thầu rộng rãi việc vận hành, xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì. Kết quả là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đã trúng thầu và thông qua đấu thầu, thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 20% chi phí quản lý vận hành Nhà máy so với việc đặt hàng trước đây.

Trước khi trúng thầu vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Công ty Phú Điền đã là một đơn vị có thương hiệu trong việc quản lý và vận hành các nhà máy xử lý nước thải. Ở địa bàn Hà Nội, Công ty Phú Điền cũng đã thành công trong việc đưa Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở vào vận hành đạt tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng/năm cho thành phố Hà Nội. Sau khi trúng thầu vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Công ty Phú Điền tiếp tục tiết kiệm thêm 20% chi phí nữa, như vậy, tổng giá trị tiết kiệm cho ngân sách thành phố Hà Nội đối với gói thầu vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì là hàng chục tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Công ty Phú Điền còn chủ động đề xuất đấu nối thêm nước thải từ các lưu vực xung quanh về Nhà máy xử lý nhằm nâng cao hiệu quả của việc đầu tư; góp phần bảo vệ môi trường, đem lại môi trường sống trong lành hơn cho những người dân sống xung quanh khu vực, điều mà từ trước đến nay chưa có đơn vị nào đề xuất thực hiện.

Qua thực tiễn triển khai cơ chế đấu thầu cũng như áp dụng một số mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trong cung ứng dịch vụ công ích thời gian qua cho thấy, đây là một hướng đi đúng đắn, tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, để có thể nhân rộng mô hình này thì Nhà nước cũng cần phải tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, có những chính sách ưu đãi đặc thù thì mới có thể huy động và đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Chuyên đề