Đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích: DN tư nhân khó cạnh tranh

(BĐT) - Một số gói thầu dịch vụ công ích thuộc các lĩnh vực như quản lý, duy tu công viên cây xanh; thoát nước đô thị; chiếu sáng công cộng… đã được nhiều cơ quan tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, có vẻ cửa rộng chỉ mở cho các công ty cổ phần có vốn nhà nước về dịch vụ công ích (công ty CP).
Doanh nghiệp tư nhân mới thành lập chưa có nhiều cơ hội tham gia các gói thầu cung ứng dịch vụ công ích. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp tư nhân mới thành lập chưa có nhiều cơ hội tham gia các gói thầu cung ứng dịch vụ công ích. Ảnh: Nhã Chi

Lợi thế đến từ đâu?

Thực tế cho thấy, tham gia đấu thầu và trúng thầu những gói thầu trên, nhất là những gói giá trị lớn, chủ yếu vẫn là các công ty CP, ít xuất hiện những doanh nghiệp dịch vụ công ích tư nhân mới được thành lập.

Đơn cử, một gói thầu thuộc Dự án Công tác duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng cây xanh, hệ thống thoát nước trên địa bàn huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Phòng QLĐT huyện Phúc Thọ mời thầu. Có 05 nhà thầu mua HSMT thì cả 5 đều là công ty CP. Hay tại Vĩnh Phúc, nhà thầu vừa trúng thầu Gói thầu Cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích trên địa bàn thị xã Phúc Yên năm 2016 là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên…

Theo đại diện Phòng QLĐT huyện Phúc Thọ, khi tham gia đấu thầu các gói thầu công ích mang tính kỹ thuật, liên quan đến điện, nước…, các công ty CP thường có khả năng cạnh tranh cao. Lý do được vị này cho biết chủ yếu là vì năng lực kinh nghiệm, nhân sự và trang thiết bị của họ tốt. Điển hình, đơn vị trúng thầu Gói thầu của Huyện là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây, có tới hơn 400 cán bộ, nhân viên; 500 trang thiết bị chuyên dụng và thâm niên hàng chục năm hoạt động.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và KCN khu vực miền Bắc nhận xét, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công ích phải đảm bảo tính chuyên nghiệp; có đủ trang thiết bị hiện đại; đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề… Như vậy, các doanh nghiệp dịch vụ công ích mới được thành lập, thường sẽ yếu thế hơn những công ty CP có sẵn truyền thống hàng chục năm "độc tôn" trong nghề.

Một số HSMT gói thầu dịch vụ công ích được "cài" nhiều yêu cầu khó, mà không phải doanh nghiệp, nhà thầu nào mới thành lập cũng có thể đáp ứng
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia tư vấn đấu thầu, bên cạnh thực tế về tiềm lực, cũng có chuyện một số HSMT gói thầu dịch vụ công ích được "cài" nhiều yêu cầu khó, mà không phải doanh nghiệp, nhà thầu nào mới thành lập cũng có thể đáp ứng. Như để đánh giá năng lực kỹ thuật nhà thầu, có thể họ đưa ra yêu cầu: Phải có kinh nghiệm chung về bảo dưỡng công viên, cây xanh là hơn hoặc bằng 3 năm. Về nhân sự, họ yêu cầu kỹ sư tốt nghiệp đại học chuyên ngành, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và phụ trách công tác duy trì hệ thống thoát nước 02 năm liên tục, có chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC...

Ngoài ra, nhiều rào cản khác cũng được tư vấn đấu thầu đưa vào HSMT, bằng việc đưa ra các yêu cầu khắt khe, áp dụng cho cả đội ngũ công nhân. Thậm chí, công nhân phải có nhiều loại chứng chỉ, giấy khám sức khỏe… Từ đó, chủ đầu tư dễ "loại" nhiều doanh nghiệp, nhà thầu ngay từ phần đánh giá kỹ thuật. 

Chủ động thay đổi

Theo ý kiến một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích mới thành lập, dù biết điểm yếu của mình, nhưng họ cũng khó khắc phục ngay. Theo lý giải, nếu họ đủ tiềm lực đầu tư máy móc, thì việc có được đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề lại là bài toán khó… Mặt khác, tuy Chính phủ đã đưa ra chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, cung ứng các dịch vụ công ích, nhưng vẫn thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp.

Ngược lại, với cái khó của doanh nghiệp mới thành lập, các công ty CP lại đang dần bỏ được tư duy độc tôn cũ; có nhiều chuyển biến biến mạnh mẽ trong cung cách hoạt động, quản trị. Phó Gám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây Vũ Ngọc Nghĩa cho biết, trong năm nay, đơn vị sẽ sẽ đầu tư thêm nhiều thiết bị mới nhằm cơ giới hóa và thay dần một số lao động thủ công, nâng cao năng suất lao động...

Như vậy, với thực tế trên, có lẽ phải mất thời gian dài, các doanh nghiệp dịch vụ công ích mới thành lập, mới có thể cạnh tranh nổi với công ty có truyền thống hoạt động công ích lâu năm.

Theo ý kiến một số chuyên gia, các doanh nghiệp hoạt động công ích mới được thành lập không nên chỉ trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Mà trước hết cần tự thân vận động, chủ động và liên kết trong tạo nguồn vốn đầu tư; không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, có chiến lược phát triển nhân sự... Đây cũng là yêu cầu tất yếu, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển.

Chuyên đề